Được thành lập trên cơ sở Nghị quyết số 1004/2020/UBTVQH14, ngày 18/9/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị quyết số 216/NQ-HĐND, ngày 16/3/2021 của HĐND tỉnh Điện Biên, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Điện Biên chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/4/2021. Căn cứ các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026, tỉnh Điện Biên có 06 đại biểu Quốc hội và 52 đại biểu HĐND tỉnh. Trong đó, Đoàn ĐBQH tỉnh có 01 Phó Trưởng đoàn hoạt động chuyên trách; Thường trực HĐND tỉnh có 06 đại biểu hoạt động chuyên trách là Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch và 04 Trưởng Ban các Ban của HĐND tỉnh; các Ban của HĐND tỉnh có Trưởng ban và Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách. Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, bắt nhịp ngay với các quy định mới của pháp luật, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Điện Biên vừa tập trung rà soát, xác định lại vị trí việc làm, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, vừa tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ. Từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Điện Biên đã tham mưu, giúp việc cho Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tiếp tục đổi mới hoạt động theo hướng phát huy trí tuệ tập thể, dân chủ thảo luận, bàn bạc, tạo sự thống nhất cao trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương, trong hoạt động giám sát, chất vấn, tiếp công dân, tiếp xúc cử tri... Tham mưu cho Đoàn ĐBQH tỉnh ban hành Quy chế làm việc của Đoàn ĐBQH tỉnh khóa XV; Quy chế tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn gửi đến ĐBQH, Đoàn ĐBQH tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026. Tham mưu, phục vụ Thường trực HĐND tỉnh tổ chức thành công 07 kỳ họp HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, ban hành 106 nghị quyết, vừa đảm bảo các quy định của pháp luật, vừa tiếp tục thực hiện đổi mới phương thức tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Đặc biệt, từ kỳ họp thứ Năm (năm 2021), HĐND tỉnh Điện Biên đã ứng dụng phần mềm để thực hiện "kỳ họp không giấy", đây là điểm mới, nổi bật trong công tác tham mưu, giúp việc của Văn phòng trong thời gian qua... Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND tỉnh ngày càng được nâng cao, được cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao; góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Điện Biên thời gian qua còn một số khó khăn, hạn chế, đó là: Có nhiệm vụ triển khai thực hiện chưa đảm bảo chương trình, kế hoạch, tiến độ. Việc tham mưu, giúp việc, phục vụ chuẩn bị có một số ít nội dung chất lượng chưa đảm bảo, năng lực công tác của một số công chức, người lao động chưa đồng đều. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, công tác thông tin tuyên truyền có mặt còn hạn chế.
Nguyên nhân là do cơ cấu tổ chức bộ máy, cán bộ của Văn phòng có sự thay đổi nên ảnh hưởng đến công tác tham mưu, giúp việc tại một số thời điểm nhất định; hệ thống hạ tầng công nghệ, thông tin, trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đồng bộ. Các Ban HĐND có nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau và trực tiếp điều hành, chỉ đạo chuyên viên giúp việc theo lĩnh vực được phân công nên có một số công việc lãnh đạo Văn phòng không hoàn toàn chỉ đạo, điều hành theo chế độ thủ trưởng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho bộ máy phục vụ của Văn phòng có lúc, có nơi thiếu tính đồng bộ, thông suốt theo một đầu mối lãnh đạo và việc quản lý, theo dõi, đánh giá công chức dưới quyền có lúc chưa thực sự sâu sát, toàn diện và đầy đủ.
Thời gian tới, để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Điện Biên sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất: Vận dụng linh hoạt các quy định của Trung ương phù hợp với điều kiện thực tế của Văn phòng, như làm việc theo chế độ thủ trưởng, kết hợp với chế độ chuyên viên. Nghiên cứu tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý, điều hành khoa học hoạt động của Văn phòng, nâng cao chất lượng tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH, HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh theo hướng phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, phù hợp với trình độ, năng lực, sở trường công tác của từng công chức. Tổ chức tuyển dụng, bố trí phân công hợp lý đối với đội ngũ chuyên viên giúp việc; tăng cường sự chỉ đạo sâu sát, phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận, các phòng chuyên môn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được thuận lợi, nhịp nhàng và đạt chất lượng, hiệu quả.
Thứ hai: Nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên giúp việc; phát huy tinh thần trách nhiệm, tính chủ động trong công việc; thường xuyên tự nghiên cứu, học tập trau dồi kiến thức, kỹ năng của mỗi cán bộ, công chức Văn phòng để nâng cao hiệu quả công tác; thường xuyên rèn luyện kỹ năng phân tích, tổng hợp chuyên sâu về chuyên môn nghiệp vụ đối với lĩnh vực được giao để tham mưu đúng, trúng, chất lượng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Không ngừng cải tiến, đổi mới tác phong, lề lối làm việc, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là phát huy hiệu quả của phần mềm "Kỳ họp không giấy". Tăng cường trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại góp phần nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ.
Thứ ba: Tăng cường sự phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ giữa Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND với Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan trên tất cả các mặt công tác để tham mưu, phục vụ các hoạt động của Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tỉnh theo quy định của pháp luật.
Thứ tư: Bám sát và tranh thủ sư ủng hộ của cấp trên; phát huy hiệu quả, vai trò, trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, của tập thể lãnh đạo Văn phòng, lãnh đạo các Phòng chuyên môn trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ của Văn phòng. Từng đồng chí lãnh đạo phải am hiểu sâu, nắm chắc lĩnh vực phụ trách để mỗi công việc cụ thể đều có người lãnh đạo, giao việc gắn với đôn đốc, kiểm tra nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo, khả năng tham mưu, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức. Phối kết hợp chặt chẽ với lãnh đạo chuyên trách các Ban của HĐND tỉnh trong quá trình điều hành chuyên viên các lĩnh vực, để nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu về công tác chuyên môn.
Thứ năm: Duy trì và giữ vững khối đoàn kết cơ quan, tạo sự đồng thuận nhất trí cao trong nội bộ trên cơ sở thực hiện tốt các Quy chế làm việc, Quy chế dân chủ...; Thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ gắn với công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện tốt các chế độ chính sách, quan tâm đến đời sống của cán bộ, công chức, người lao động cơ quan./.
Nguyễn Tiến Thành
Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh