Trong những năm qua, để cụ chế hóa Nghị quyết số 16/2019/NQ-HĐND, ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh về ban hành quy định mức hỗ trợ và các khoản đóng góp đối với người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh và các ngành chuyên môn của tỉnh, chính quyền các cấp ban hành nhiều văn bản liên quan đến việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, cùng với đó là việc giao chỉ tiêu cụ thể trong thực hiện nhiệm vụ cai nghiện ma túy, giao kinh phí cai nghiện ma túy cho các địa phương và Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh, đồng thời giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ để thực hiện công tác cai nghiện ma túy, cũng như các chính sách hỗ trợ đảm bảo đúng quy định Nghị quyết của HĐND tỉnh phù hợp với đặc thù của ngành, địa phương.
Năm 2019, thời điểm trước khi Nghị quyết số 16/2019/NQ-HĐND, ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh được ban hành, tỉnh Điện Biên thực hiện theo Nghị quyết số 69/2017/NQ-HĐND, ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về ban hành quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; chế độ đối với người tự nguyện chữa trị, cai nghiện tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội và tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng, quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Điện Biên (nghị quyết 69). Toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện ma túy cho 2.494 lượt người, trong đó cai tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh cho 1.034 lượt người, gồm: cai bắt buộc được 893 lượt người và cai tự nguyện 141 lượt người; cai tại gia đình và cộng đồng cho 1.460 lượt người.
Kể từ khi nghị quyết 16 có hiệu lực thi hành và được triển khai thực hiện đến nay, đã khắc phục được những bất cập của nghị quyết 69 trước kia, thể hiện qua việc quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về công tác cai nghiện ma túy và các chính sách liên quan. Đặc biệt, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tham gia công tác phòng, chống và tổ chức cai nghiện ma túy. Chính quyền các cấp đã kịp thời ban hành các quyết định, giao kế hoạch, các văn bản chỉ đạo cụ thể về thực hiện công tác cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo, chỉ đạo cấp xã kiện toàn và thành lập các Tổ công tác cai nghiện ma túy theo quy định… cho thấy sự quyết liệt của các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp cũng như tạo được sự ủng hộ của xã hội, nhân dân các dân tộc trong tỉnh nên công tác tổ chức cai nghiện ma túy bước đầu có hiệu quả.
Công tác quản lý và số người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh có hồ sơ quản lý được hết sức chú trọng, hiện tại tỉnh đang quản lý hồ sơ của người nghiện ma túy là 8.895 người, trong đó 8.509 người là nam, 386 người là nữ, số người có độ tuổi từ 16 đến dưới 30 tuổi được quản lý là 2.455 người, chiếm 27,59%, tăng 756 người so với cùng kỳ 2020; số người nhiện trên 30 tuổi là 6.440 người, chiếm 72,4%, giảm 1.286 người so với cùng kỳ năm 2020. Toàn tỉnh đã tổ chức cai nghiện ma túy 1.694 lượt người, trong đó cai tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội được 1.011 lượt người, đạt 101,1% kế hoạch tỉnh giao; cai nghiện tại cộng đồng và gia đình được 683 lượt người, đạt 79,60% kế hoạch tỉnh giao.
Việc tuyên truyền, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh về ban hành quy định mức hỗ trợ và các khoản đóng góp đối với người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh và các văn bản hướng dẫn được các cấp, các ngành quan tâm; công tác chi trả chế độ hỗ trợ được quy định tại Nghị quyết số 16 của HĐND tỉnh được tổ chức thực hiện tương đối kịp thời. Trong 02 năm triển khai thực hiện, toàn tỉnh đã thực hiện kinh phí liên quan đến các nội dung của công tác cai nghiện ước thực hiện là 50.691.036.400 đồng, trong đó ngân sách nhà nước cấp 50.272.561.400 đồng, chiếm 99,17%; gia đình đóng góp được 418.475.000 đồng, chiếm 0,83%, trong đó hỗ trợ cán bộ theo dõi, quản lý đối tượng cai nghiện ma túy cho 81 cán bộ, tổng số tiền 145.800.000 đồng; hỗ trợ người cai nghiện ma túy, các khoản đóng góp và chế độ giảm một phần chi phí của người cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 701 người với tổng số tiền 455.513.500 đồng. Ngoài ra, đã hỗ trợ và thực hiện các khoản đóng góp đối với người cai nghiện ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội như hỗ trợ người cai nghiện bắt buộc với các nội dung hỗ trợ tiền thuốc cắt cơn, giải độc, tiền thuốc chữa bệnh thông thường, tiền ăn, tiền sinh hoạt, tiền hoạt động văn nghệ,… cho 560 người, tổng số tiền: 8.211.288.900 đồng; người nghiện và gia đình đóng góp: 93 người, tổng số tiền: 418.475.000 đồng.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bước đầu được quan tâm, toàn tỉnh đã tổ chức được 24 cuộc kiểm tra trong đó cấp tỉnh tổ chức 01 cuộc về thẩm lậu ma túy tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội; cấp huyện tổ chức 23 cuộc thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, còn thực hiện giám sát thường xuyên qua báo cáo, qua hình ảnh zalo, qua lồng ghép các cuộc thanh tra, kiểm tra khác… Nội dung các cuộc kiểm tra, thanh tra tập trung vào quy trình lập hồ sơ, công tác tổ chức cai nghiện, công tác thanh quyết toán các chế độ hỗ trợ cho cán bộ làm công tác điều trị, người nghiện… theo quy định của Trung ương và Nghị quyết số 16/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Thông qua các cuộc thanh tra, kiểm tra đã kịp thời chấn chỉnh những vướng mắc, hạn chế tại cơ sở, đề ra các giải pháp để thực hiện đúng quy định, phù hợp với tình hình của đơn vị, địa phương.
Theo đánh giá của Ban VHXH – HĐND tỉnh qua cuộc giám sát chuyên đề năm 2021, từ khi có Nghị quyết ban hành quy định mức hỗ trợ và các khoản đóng góp đối với người cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có sự chuyển biến tích cực, thường xuyên và mạnh mẽ với sự vào cuộc của các cấp ủy đảng, HĐND, UBND và các Sở, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến xã, phường tạo sự thống nhất về quan điểm, chủ trương trong việc triển khai thực hiện. Nội dung và các hình thức triển khai thực hiện Nghị quyết cũng đa dạng và phong phú, hầu hết các cấp, các ngành, các địa phương đã xây dựng kế hoạch và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ sát với tình hình thực tế của ngành, của địa phương qua từng năm. Một số địa phương tích cực triển khai công tác cai nghiện như các huyện Điện Biên, Nậm Pồ, Mường Ảng, Mường Nhé, Tuần Giáo và thành phố Điện Biên Phủ… đạt và vượt chỉ tiêu được tỉnh giao.
Tuy nhiên, do địa hình đồi núi, đường biên giới dài tiếp giáp với nước Lào và Trung Quốc là điều kiện thuận lợi để tội phạm ma túy vận chuyển, tàng trữ và buôn bán các chất ma túy vào tỉnh và cả nước. Đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, phong tục tập quán còn lạc hậu, trình độ dân trí không đồng đều, địa bàn rộng, lối sống thực dụng, coi trọng vật chất, hiểu biết pháp luật ở một bộ phận người dân tại một số địa phương còn hạn chế đã tìm đến ma túy, lạm dụng ma túy dẫn đến nghiện ma túy có chiều hướng gia tăng. Công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy và cai nghiện cũng như các chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh ban hành chưa thường xuyên, mới chỉ chủ yếu là lồng ghép, đặc biệt là đối với đơn vị cơ sở; nội dung tuyên truyền chưa phong phú, đa dạng, hiệu quả của công tác tuyên truyền chưa cao; công tác quản lý sau cai nghiện chưa được quan tâm đúng mức; công tác quản lý, phối kết hợp giữa các ngành, các cấp ở cơ sở còn hạn chế, chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, nhận thức của người dân trong việc cai nghiện chưa cao. Công tác cai nghiện ma túy bắt buộc tại gia đình và cộng đồng còn nhiều bất cập, mới chỉ dừng ở giai đoạn điều trị cắt cơn nghiện, thời gian cai nghiện ngắn; công tác vận động cai nghiện tự nguyện tại cộng đồng hiệu quả còn thấp. Số người nghiện ma túy trong độ tuổi lao động có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là thanh niên trong độ tuổi từ 16 đến dưới 30 tuổi (tăng 765 người so với năm 2020); cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng hiệu quả không cao, cơ sở vật chất phục vụ công tác cai nghiện ma túy tại cộng đồng thiếu và ít được quan tâm, địa điểm cai chủ yếu tập trung tại trường học dịp học sinh nghỉ hè và tại nhà văn hóa nên việc cấp cứu, chăm sóc, vệ sinh không đảm bảo; kết quả cai nghiện tại cộng đồng đạt thấp (79,60% kế hoạch tỉnh giao), đặc biệt tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện chiếm trên 90%. Một số đơn vị cơ sở thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy chưa đảm bảo theo quy định, hoạt động không hiệu quả; không thực hiện chi trả hỗ trợ cho cán bộ theo dõi, quản lý đối tượng cai nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng, cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng theo quy định của Nghị quyết số 16; Việc thực hiện thu các khoản đóng góp của người nghiện ma túy bắt buộc tại cộng đồng, cai tự nguyện tại gia đình và cộng đồng theo quy định cũng không thực hiện được. Chưa thường xuyên khảo sát nhu cầu học nghề của người nghiện sau cai nên chưa thực hiện hỗ trợ dạy nghề cho người nghiện sau cai. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định về công tác cai nghiện và chi trả các chế độ theo quy định của Nghị quyết số 16 mới chỉ lồng ghép với các cuộc kiểm tra, giám sát khác (7/10 huyện, thị xã, thành phố chưa thực hiện); việc tổ chức tập huấn về nghiệp vụ công tác cai nghiện, thanh quyết toán các khoản chi hỗ trợ cho cán bộ làm công tác cai nghiện ở cơ sở ít, chưa thường xuyên. Công tác phối hợp giữa các đơn vị tại một số thời điểm còn mang tính hành chính, chưa sâu, chưa chặt chẽ; công tác giúp đỡ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng, tìm kiếm việc làm, phòng tái nghiện… tại một số địa phương chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Việc bố trí kinh phí dành cho công tác cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng theo Nghị quyết của HĐND tỉnh tại cấp cơ sở còn hạn chế, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao…
Do đó, trong thời gian tới để Nghị quyết 16 của HĐND tỉnh thực sự đi vào cuộc sống, tỉnh cần tiếp tục chỉ đạo việc triển khai thực hiện sâu sát hơn nữa; các cấp, các ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc đảm bảo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu được giao hàng năm, đồng thời tiếp tục kiến nghị với trung ương xem xét, sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, bổ sung năm 2020 và Luật Phòng, chống ma túy năm 2021; nghiên cứu ban hành phác đồ điều trị cai nghiện ma túy phù hợp với tình hình hiện nay. HĐND, UBND tỉnh cần thiết chỉ đạo các ngành liên quan nghiên cứu, rà soát và đề nghị tỉnh điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 16/2019/NQ-HĐND, ngày 06/12/2019 của HĐND tỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn. Chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị và UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác cai nghiện ma túy và các chế độ hỗ trợ theo quy định. Tỉnh cần quy định cụ thể hơn trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, các địa phương trong việc bảo đảm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu được giao về công tác cai nghiện cũng như thực hiện đảm bảo đầy đủ các nội dung của Nghị quyết 16... có như vậy, hiệu quả của công tác cai nghiện ma túy và các chính sách hỗ trợ mới đảm bảo đạt được như kỳ vọng mà Nghị quyết 16 đã đề ra./.
Nguyễn Quang Lâm
UVTT, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh Điện Biên