Nghiên cứu - Trao đổi  

Điện Biên: Khai thác tiềm năng du lịch góp phần xóa đói giảm nghèo

Cập nhật ngày 25/04/2022 08:57:17 AM - Lượt xem: 256

Điện Biên có tiềm năng phát triển du lịch với quần thể di tích lịch sử Điện Biên Phủ cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và nét văn hóa đặc sắc của 19 dân tộc anh em. Những năm qua, tiềm năng du lịch của tỉnh đã bước đầu được khai thác, các sản phẩm du lịch được hình thành, các khu, điểm du lịch sinh thái, văn hóa được đầu tư xây dựng. Các hoạt động du lịch, dịch vụ đã thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế, góp phần nâng cao tỷ trọng lĩnh vực du lịch, dịch vụ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trên địa bàn, góp phần từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển du lịch của tỉnh trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, các giá trị văn hóa, lịch sử trên địa bàn chưa được khai thác, phát huy triệt để.


Do đó, tập trung phát triển để du lịch thực sự là lĩnh vực tiềm năng, đóng vai trò quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 23/5/2016, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 31/NQ-HĐND ngày 14/10/2016 về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030. Để triển khai thực hiện Nghị quyết, UBND tỉnh đã xây dựng chương trình hành động phát triển du lịch. Đây là những căn cứ quan trọng để cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện và đạt được những kết quả tích cực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được khôi phục và phát triển; các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú từng bước được xây dựng. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, các nhà đầu tư đã quan tâm khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh; xây dựng các tour, tuyến du lịch, tạo điểm đến thu hút du khách.

Theo báo cáo kết quả khảo sát tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, tổng lượng khách du lịch đến Điện Biên trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt gần 3 triệu lượt, tăng 52% so với giai đoạn 2011 - 2015, trong đó khách quốc tế đạt 437.800 lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.768 tỷ đồng, tăng 133% so với giai đoạn 2011 - 2015; góp phần giải quyết việc làm cho 14.000 lao động, trong đó có 6.000 lao động trực tiếp. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 215 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 2.954 buồng/5.139 giường, 11 bản văn hóa, 04 homestay, có trên 120 nhà hàng có quy mô phục vụ cùng lúc từ 100 đến 1.300 khách. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch từng bước được đầu tư, trong đó nguồn lực của doanh nghiệp, xã hội hóa là chủ yếu. Đã từng bước hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng phù hợp với lợi thế và tiềm năng của tỉnh như: Du lịch lịch sử, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái - khám phá, du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng. Bên cạnh các sản phẩm du lịch chính, các loại hình du lịch khác như du lịch biên giới, du lịch thương mại, du lịch trải nghiệm cũng góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Nằm trong 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng, những năm qua, dưới sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Điện Biên, nhiều chương trình, đề án, quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt; đặc biệt ngày 24/8/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1465/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang tỉnh Điện Biên đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 2801/KH-UBND, ngày 26/9/2017 triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Điện Biên Phủ - Pá Khoang, tỉnh Điện Biên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hoạt động du lịch của tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, sản phẩm du lịch từng bước đáp ứng nhu cầu tham quan, thưởng ngoạn danh lam, thắng cảnh của du khách trong và ngoài nước. Nhiều công trình du lịch, thiết chế văn hóa được đưa vào sử dụng, tạo điểm nhấn quan trọng để tỉnh tổ chức các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội gắn với các hoạt động quảng bá và phát triển du lịch của tỉnh; hầu hết di tích lịch sử, văn hóa được trùng tu, tôn tạo.

Khai thác, phát triển tiềm năng du lịch của tỉnh đã có các nghị quyết, chương trình hành động cụ thể, song thực tế, việc phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định. Trước hết, công tác tổ chức lập, quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch còn chậm khi đến nay mới có 1/21 điểm du lịch được phê duyệt; hạ tầng phục vụ du lịch, nhất là giao thông đến các điểm du lịch chưa thuận lợi; hệ thống các điểm vui chơi, giải trí, mua sắm còn đơn điệu; công tác xã hội hóa hoạt động du lịch còn hạn chế…

Để phát huy tiềm năng thế mạnh về du lịch, thời gian tới tỉnh cần nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về du lịch, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh, Hiệp hội Du lịch. Nghiên cứu ban hành cơ chế quản lý theo hướng giao cho doanh nghiệp, tư nhân quản lý, đầu tư, khai thác di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn. Đồng thời có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đầu tư hạ tầng giao thông, đường bộ, hàng không, đầu tư các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại; xây dựng, tôn tạo các di tích, danh lam thắng cảnh được xếp hạng. Ưu tiên nguồn lực đầu tư công trình giao thông tới các điểm danh lam thắng cảnh: nâng cấp, mở rộng tuyến đường từ thành phố Điện Biên Phủ đi Mường Phăng (Tà Lèng - Mường Phăng), Tây Trang, Huổi Puốc, Pa Thơm, suối nóng U Va, hang động Khó Chua La; lâu dài đầu tư đi ngã ba biên giới A Pa Chải, Pha Đin… Tôn tạo, phục chế các di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ theo nguyên mẫu. Liên kết với các tỉnh Bắc Lào, tỉnh Vân Nam Trung Quốc, Bắc Thái Lan phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như cửa khẩu, biên giới, kết nối các tour du lịch Điện Biên - Luông Pha Băng; Điện Biên - Thái Lan. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức và những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, du lịch nhằm nâng cao kỹ năng và kiến thức trong hoạt động du lịch. Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viên du lịch có trình độ, am hiểu lịch sử, văn hóa, ngoại ngữ… để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân./.

Lò Bích

UVTT, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh

 


Tin liên quan
Điện Biên: Hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021
Đảng đoàn HĐND lãnh đạo hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh
Tổ đại biểu HĐND thành phố Điện Biên Phủ tiếp xúc cử tri sau kỳ họp thứ Năm, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026
UBND huyện Mường Chà: Công bố di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm giày thêu của người Hoa (Xạ Phang)”
Thành công của cuộc bầu cử tiếp tục khẳng định niềm tin vững chắc của Nhân dân
Lựa chọn những người tiêu biểu vào Hội đồng nhân nhân tỉnh Điện Biên khóa XV (nhiệm kỳ 2021-2026)
Chủ động triển khai, thực hiện tốt các nhiệm vụ để đảm bảo quyền bầu cử của cử tri
HĐND huyện Điện Biên Đông tổng kết nhiệm kỳ 2016 – 2021 v
Kết quả hoạt động phối hợp giữa Thường trực HĐND với Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ
Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu Hội đồng Nhân dân