Giảm đầu mối, tinh giản biên chế, tạo động lực phát triển
Căn cứ Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các văn bản hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, tỉnh Điện Biên đã ban hành Đề án số 2830/ĐA-UBND ngày 27/9/2019 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 3706/KH-UBND ngày 16/12/2019 và nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành, hướng dẫn triển khai việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.
Theo báo cáo giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, năm 2020 tỉnh Điện Biên đã hoàn thành việc sắp xếp 01 đơn vị hành chính cấp huyện và 03 đơn vị hành chính cấp xã đó là: thành phố Điện Biên Phủ, xã Thanh Minh, xã Tà Lèng thuộc thành phố Điện Biên Phủ và Thị trấn Tủa Chùa thuộc huyện Tủa Chùa là những đơn vị hành chính có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định, thuộc diện bắt buộc phải sắp xếp giai đoạn 2019-2021.
Phương án sắp xếp đối với thành phố Điện Biên Phủ là nhập toàn bộ các xã Nà Tấu, Nà Nhạn, Mường Phăng, Pá Khoang và nhập một phần diện tích và dân số của xã Thanh Hưng, Thanh Luông huyện Điện Biên vào thành phố Điện Biên Phủ; Nhập toàn bộ xã Tà Lèng vào xã Thanh Minh thuộc thành phố Điện Biên Phủ để thành lập xã Thanh Minh. Đối với thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa là điều chỉnh một phần diện tích và dân số của xã Mường Báng vào thị trấn Tủa Chùa.
Do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục người dân trong việc chấp hành chủ trương, pháp luật về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, nên việc sắp xếp các đơn vị hành chính trên địa bàn nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân khi triển khai thực hiện, cụ thể: 10/12 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ cử tri đồng ý trên 80% (trong đó, có 06 xã, phường, thị trấn có tỷ lệ cử tri đồng ý trên 90%).
Sau khi thực hiện sắp xếp, tỉnh Điện Biên giảm được 01 đơn vị hành chính cấp xã, giảm được 06 công chức (dự kiến đến năm 2025 sẽ giảm thêm được 13 công chức) và 21/21 người làm việc không chuyên trách cấp xã. Số lượng đơn vị hành chính và biên chế đã cắt giảm được ở địa phương sau khi sắp xếp đảm bảo theo yêu cầu tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cơ cấu tổ chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở địa phương sau khi sắp xếp đơn vị hành chính đã đi vào ổn định, đảm bảo triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định, đảm bảo yêu cầu về quản lý hành chính nhà nước và giải quyết các thủ tục cho người dân.
Các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp được quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng và triển khai nhiều mô hình sản xuất, phát triển kinh tế; các chính sách về an sinh, xã hội tiếp tục được triển khai thực hiện. Qua đó, giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân. Việc sắp xếp đơn vị hành chính giúp mở rộng không gian phát triển cho thành phố Điện Biên Phủ, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, cụ thể: Nhiều dự án đầu tư được triển khai trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ như: Đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Dự án Đường 60m, Khu Hạ tầng kỹ thuật khung...
Hiện nay, một số nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong nước như: Tập đoàn VinGroup, SunGroup, FLC, Flamingo, Công ty Cổ phần đầu tư Hải Phát… đầu tư các dự án khách sạn, trung tâm thương mại và nhà ở thương mại; dự án tổ hợp sân golf, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch nghỉ dưỡng trên địa bàn thành phố. Tại các xã sau khi sáp nhập vào thành phố cũng được quan tâm đầu tư, năm 2020-2021 đã triển khai 25 dự án trên địa bàn 04 xã với tổng mức đầu tư 71.450 triệu đồng; dự kiến giai đoạn 2021-2025 sẽ triển khai đầu tư 33 dự án với tổng mức đầu tư 177.000 triệu đồng.
Khó khăn trong sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư
Tuy nhiên, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021 tỉnh Điện Biên cũng gặp những khó khăn, nhất là trong sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư. Thực hiện Phương án sắp xếp theo Nghị quyết 815/NQ-UBTVQH14 ngày 21/11/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, số lượng cán bộ, công chức dôi dư là 19 người và 21 người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Hiện nay, đã sắp xếp được 06/19 cán bộ, công chức, trong đó: thực hiện luân chuyển, điều động sang cơ quan khác là 02 người, bố trí nghỉ việc hưởng chế độ là 04 người (01 người hưởng chế độ thôi việc theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP; 02 người nghỉ hưu theo Nghị định 26/2015/NĐ-CP; 01 người nghỉ việc hưởng chế độ bảo hiểm xã hội). Đối với người hoạt động không chuyên trách đã thôi không bố trí sắp xếp là 21 người.
Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 quy định ngoài các chế độ chính sách hiện hành theo quy định của Chính phủ về chế độ thôi việc, chính sách tinh giản biên chế, căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách, các địa phương ban hành chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư của cơ quan, tổ chức, đơn vị do sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Quy định này dẫn đến, tỉnh có điều kiện thì có chính sách riêng, những tỉnh khó khăn như Điện Biên do không cân đối được ngân sách nên không ban hành chính sách riêng mà chỉ thực hiện các chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức, về chế độ thôi việc và chính sách tinh giản biên chế, không có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho những người hoạt động không chuyên trách cấp xã dôi dư phải nghỉ việc. Đồng thời, cùng một đối tượng là cán bộ, công chức dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính nhưng chế độ, chính sách mỗi tỉnh lại khác nhau. Sự bất bình đẳng này ảnh hưởng đến quyền lợi và tâm tư của cán bộ, công chức.
Bên cạnh đó, việc sắp xếp đơn vị hành chính được tiến hành song song cùng với chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bố trí lực lượng công an chính quy về xã cùng với việc triển khai Nghị định 34/2019/NĐ-CP ngày 24/4/2019 của Chính phủ, do đó đã gây áp lực rất lớn cho các địa phương về sắp xếp số lượng cán bộ, công chức dôi dư.
Bài học kinh nghiệm
Qua triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021, tỉnh Điện Biên rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:
Một là, bám sát các quy định của pháp luật, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quy trình, thủ tục sắp xếp các đơn vị hành chính đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương, nhất là vai trò lãnh đạo của cấp ủy các cấp.
Hai là, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt nội dung các văn bản của Trung ương, của tỉnh, của huyện về sắp xếp các đơn vị hành chính để mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc sắp xếp các đơn vị hành chính, nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong quá trình tổ chức thực hiện; thường xuyên nắm bắt, lắng nghe ý kiến nguyện vọng của Nhân dân để xem xét giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Ba là, coi trọng yếu tố truyền thống lịch sử, văn hoá và thực trạng điều kiện địa lý, tự nhiên, phân bố dân cư trong quá trình đánh giá tiêu chí, lựa chọn đơn vị hành chính để sắp xếp, nhằm đảm bảo sự đồng thuận, hài hoà và gìn giữ nét truyền thống tốt đẹp của vùng, miền, địa phương sau khi sáp nhập.
Bốn là, chủ động nghiên cứu xây dựng phương án, kịp thời giải quyết chế độ, chính sách đối với đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư sau khi thực hiện việc sáp nhập. Sắp xếp tổ chức bộ máy của đơn vị hành chính mới hình thành, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước. Đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện việc cấp đổi tài liệu, giấy tờ phát sinh sau khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính.
Từ thực tế triển khai tại Điện Biên, để việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2022-2030 đạt hiệu quả, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu, sửa đổi quy định về tiêu chuẩn quy mô dân số và diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính các cấp tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 để phù hợp với điều kiện thực tế các vùng, miền nhất là đối với đơn vị hành chính đô thị, nên quy định theo 3 khu vực: đồng bằng; trung du, miền núi; vùng cao, biên giới, ngoài ra cần căn cứ thêm một số yếu tố đặc thù về quốc phòng, an ninh, lịch sử… Ban hành chế độ, chính sách riêng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã để áp dụng chung trên cả nước để đảm bảo sự công bằng trong triển khai, thực hiện, tạo thuận lợi cho việc sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư trong quá trình sắp xếp các đơn vị hành chính sau này./.
Lò Thị Luyến
Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh