Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 và thông qua tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Đây là Dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, có liên quan trực tiếp đến toàn thể cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân có liên quan, bao gồm cả công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú ở Việt Nam. Dó đó, việc tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến về Dự án Luật nhằm phát huy trí tuệ của cán bộ, công chức, những người có kinh nghiệm thực tiễn trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình là hết sức cần thiết, làm cơ sở để Ủy ban Xã hội, cơ quan chủ trì thẩm tra và Đoàn ĐBQH tỉnh trong quá trình thẩm tra, góp ý kiến vào Dự án Luật.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhận định: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 21 tháng 11 năm 2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2008. Sau gần 15 năm thực hiện, Luật đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức trong phòng, chống bạo lực gia đình, góp phần bảo vệ người bị bạo lực gia đình, xử lý các hành vi bạo lực gia đình, vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình và thực hiện bình đẳng giới trong gia đình.
Bên cạnh kết quả đạt được, qua thực tiễn triển khai thực hiện, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn, như: Quy định về phòng ngừa bạo lực gia đình; về hòa giải; về bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình; về xử lý hành vi bạo lực gia đình và vi phạm pháp luật trong phòng, chống bạo lực gia đình…
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên, trong những năm qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình luôn đượccấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện. Nhận thức về phòng, chống bạo lực gia đình của người dân được nâng lên, tình trạng bạo lực gia đình giảm đáng kể; các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được duy trì và từng bước nhân rộng. Đây là một trong những yếu tố góp phần ổn định xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh còn tồn tại dưới nhiều hình thức. Tính trong giai đoạn 2008-2021, tổng số vụ bạo lực gia đình đã phát hiện là 3.799 vụ; đối tượng bị bạo lực chủ yếu là phụ nữ, người già và trẻ em, những đối tượng yếu thế trong xã hội. Con số trên cũng chưa phản ánh đầy đủ tình trạng bạo lực gia đình trong thực tế, đa số người bị bạo lực gia đình đã không tìm kiếm sự giúp đỡ, nhiều vụ việc về bạo lực gia đình chưa được phát hiện, nguy cơ về bạo lực gia đình vẫn tiềm ẩn và có thể gây ra nhiều hệ lụy đối với xã hội.
Do đó, việc xem xét, sửa đổi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình là cần thiết nhằm thể chế đường lối, chủ trương của Đảng; khắc phục những tồn tại hạn chế trong quy định của pháp luật về công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đáp ứng yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng và phát triển đất nước nói chung, tỉnh Điện Biên nói riêng trong thời gian tới.
Tại Hội nghị đã có trên 10 ý kiến phát biểu tham gia vào Dự thảo Luật, trong đó tập trung vào một số nội dung như: Việc bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; công tác phòng ngừa bạo lực gia đình; cơ chế phát hiện, tố giác, xử lý hành vi bạo lực gia đình; hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình và người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống lực gia đình; các điều kiện đảm bảo cho hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình…
Thay mặt cho Ban tổ chức Hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Lan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tiếp thu các ý kiến tham gia, góp ý để tổng hợp báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời yêu cầu Ban soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh sửa nhằm hoàn thiện Dự án Luật trước khi trình Quốc hội thông qua.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác, ngày 13 và 14.4, Đoàn công tác của Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã đến thăm và tặng quà cho 50 hộ gia đình chính sách, người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh, mỗi suất quà trị giá 01 triệu đồng./.
Mai Hồng