Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, đồng chí Tạ Thị Yên, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên nhận định, Luật Kinh doanh bảo hiểm là luật mang tính chất chuyên môn sâu, phức tạp và khó. Qua các phiên thảo luận tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV và nhiều lần gửi xin ý kiến, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến tham gia của cơ quan thẩm tra và các vị đại biểu Quốc hội.
Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm một số nội dung như:
Về hợp đồng bảo hiểm: Hiện nay, hợp đồng bảo hiểm do bên mua bảo hiểm soạn sẵn với nhiều thuật ngữ và điều khoản có lợi cho bên bán bảo hiểm, cho nên cần quy định rõ quyền lợi và trách nhiệm mang tính nguyên tắc tối thiểu của doanh nghiệp bảo hiểm với bên mua bảo hiểm đối với từng loại hình bảo hiểm. Cần quy định hợp đồng bảo hiểm mẫu đối với từng loại hình bảo hiểm với những điều khoản mang tính tham khảo cho các doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời công khai với người dân để mọi người hiểu rõ trước khi mua bảo hiểm (có thể giao Bộ Tài chính hướng dẫn ban hành).
Đối với bảo hiểm nhân thọ: Thông thường để sản phẩm bảo hiểm trở nên hấp dẫn, đại lý bảo hiểm thường giải thích cho bên mua bảo hiểm giá trị tích lũy ở mức cao nhất có thể trong bảng minh họa mà không nói đến giá trị đảm bảo là mức mà bên mua bảo hiểm chắc chắn nhận được (thực tế thấp hơn); ngoài ra những rủi ro trong các sản phẩm bảo hiểm kết hợp đầu tư cũng ít khi được đại lý nhắc đến khi tư vấn, kết quả là bên mua bảo hiểm phải chịu tổn thất đầu tư do không được tư vấn rõ ràng ngay từ đầu. Vì vậy ngoài những thông tin cần thiết trong hợp đồng bảo hiểm, cần bổ sung những khuyến cáo để bên mua bảo hiểm ý thức về rủi ro của sản phẩm bên cạnh những quyền lợi.
Đối với bảo hiểm tại tổ chức tín dụng: Tình trạng khoản vay bán kèm bảo hiểm nhân thọ hiện nay khá phổ biến tại các tổ chức tín dụng, dẫn đến sự bức xúc của người dân. Thực tế, người vay dùng chính khoản vay để mua bảo hiểm và gần như rất ít khách hàng tái tục bảo hiểm vào năm thứ hai. Điều này tăng gánh nặng tài chính lên người đi vay, người mua bảo hiểm và do vậy rất ít người vay tái tục đóng phí bảo hiểm năm thứ 2, đồng thời doanh nghiệp bảo hiểm cũng không có lợi, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Tương tự, các tổ chức tín dụng cũng kết hợp bán tiết kiệm và bảo hiểm với thông tin không rõ ràng, làm người gửi tiết kiệm hiểu lầm gói tiết kiệm lãi suất cao mà không hiểu rằng phải đóng phí bảo hiểm hàng năm mới có thể hưởng lãi suất của gói sản phẩm. Đề nghị có quy định cụ thể về chế tài xử lý những hành vi này, đồng thời cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu rõ bảo hiểm trong các trường hợp này không phải là bắt buộc.
Đối với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định về nhiệm vụ xây dựng ngân hàng dữ liệu chung thống nhất trên toàn quốc để làm cơ sở cho việc tính phí tạo sự công bằng, thống nhất giữa các công ty bảo hiểm. Tăng cường giám sát, hậu kiểm và thanh tra thị trường nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên mua bảo hiểm và cần có cơ chế và quy định rõ ràng về kiểm soát chất lượng tư vấn của các đại lý thông qua việc cấp và phát hành chứng chỉ hành nghề. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm./.
Mai Hồng