Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XI thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 26/11/2003, có hiệu lực từ ngày 1/7/2004. Luật đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2005 và 2013. Luật đã được các cấp, ngành tổ chức thực hiện có hiệu quả, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Luật còn bộc lộ những hạn chế, bất cập nên việc sửa đổi để phù hợp với thực tế là cần thiết.
Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) gồm có 8 chương và 98 điều, có một số điều mới được đưa vào dự thảo Luật, Điều 26 quy định về tiêu chuẩn danh hiệu “Xã tiêu biểu”, “Phường, Thị trấn tiêu biểu”, Điều 55 quy định về hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”… sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền; liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.
Phát biểu tham gia ý kiến, các đại biểu dự họp cơ bản nhất trí với bố cục và nội dung dự thảo Luật; đã có 4 sở ngành tham gia ý kiến cụ thể như: Điều 58, danh hiệu tỉnh anh hùng, thành phố anh hùng, đề nghị cụ thể hoá, thời điểm, thời hạn cụ thể; Tiêu chuẩn giải thưởng Hồ Chí Minh, đề nghị có thành tích suất sắc, đặc biệt suất sắc; một số tiêu chuẩn điều kiện khen thưởng còn chung chung chưa cụ thể nên khó khăn khi triển khai thực hiện… cần có quy định về khen thưởng đối với công nhân, nông dân, tạo điều kiện cho người lao động, người không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được khen thưởng kịp thời khi có thành tích cao.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Bí Thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã đánh giá cao các ý kiến tham gia của các đại biểu. Đồng chí đề nghị các cơ quan chuyên môn tiếp tục nghiên cứu, gửi ý kiếm tham gia cho Đoàn ĐBQH tỉnh, các địa phương tiếp tục rà soát trong quá trình triển khai thực hiện tại địa phương, nhất là những vấn đề liên quan đến gia đình, địa phương tiêu biểu… yêu cầu Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp thu, tổng hợp ý kiến hoàn thiện dự thảo, gửi đến ban soạn thảo theo quy định./.
Tin, ảnh: Lê Hùng