Căn cứ vào các quy định trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên đã xây dựng Đề án và phối hợp với Ủy ban MTTQVN tỉnh tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, trên nguyên tắc việc giới thiệu nhân sự ứng cử đại biểu HĐND tỉnh phải đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ, nhân sự được giới thiệu đáp ứng được tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, dân tộc theo hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong đó tiêu chuẩn được xác định là trọng tâm, cơ cấu, thành phần, dân tộc phấn đấu bằng hoặc cao hơn nhiệm kỳ 2016-2021.
Về số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026 là 52 đại biểu, tăng 01 đại biểu so với nhiệm kỳ 2016-2021, trên cơ sở dân số của tỉnh đến hết năm 2020 là 617.985 người. Như vậy, dự kiến số người giới thiệu ứng cử là 95 người, bao gồm: Giới thiệu người ứng cử là nữ 34 người, phấn đấu trúng cử 17 đại biểu, đạt 30%, tăng 2 đại biểu so với nhiệm kỳ trước; giới thiệu người ứng cử là dân tộc thiểu số là 58 người, phấn đấu trúng cử 29 đại biểu, chiếm 55,77%, tăng 01 đại biểu so với nhiệm kỳ trước, chú ý đại biểu dân tộc Mông, Thái, Khơ mú, Lào, Kháng, Dao; giới thiệu người ứng cử trẻ tuổi, dưới 40 tuổi là 16 người, phấn đấu trúng cử 8 đại biểu, đạt tỷ lệ 15,38%, tăng 01 đại biểu so với nhiệm kỳ trước; giới thiệu người ứng cử ngoài Đảng 12 người, phấn đấu trúng cử 6 đại biểu đạt tỷ lệ hơn 11,54%; đại biểu tái cử là 21 đại biểu, chiếm 38,46%.
Trên cơ sở số lượng, cơ cấu, thành phần, dự kiến phân bổ số lượng đại biểu ở các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể, cấp huyện và cơ sở, trên tinh thần giảm số lượng đại biểu ở khối cơ quan hành chính, tăng số lượng đại biểu ở cơ quan Đảng, Đoàn thể và cơ sở, doanh nghiệp. Khối cơ quan Đảng phân bổ 7 đại biểu, giới thiệu 12 người ứng cử ở Tỉnh ủy và các Ban xây dựng Đảng; cơ quan Hội đồng nhân dân phân bổ 11 đại biểu làm nhiệm vụ chuyên trách, giới thiệu ứng cử 20 người, trong đó lãnh đạo Hội đồng nhân dân 2 đại biểu, mỗi Ban 2 đại biểu (Trưởng ban và Phó Trưởng ban) và Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND làm nhiệm vụ thư ký các kỳ họp; UBND và các cơ quan chuyên môn phân bổ 5 đại biểu, giới thiệu ứng cử 6 người, trong đó chỉ phân bổ 01 đại biểu ở cơ quan chuyên môn, giảm 02 đại biểu so với nhiệm kỳ trước; Mặt trận Tổ quốc và các Đoàn thể phân bổ 6 đại biểu, giới thiệu 12 người ứng cử; khối quốc phòng, an ninh phân bổ 2 đại biểu, giới thiệu 4 người ứng cử; khối Doanh nghiệp, hợp tác xã và đơn vị sự nghiệp mỗi đơn vị phân bổ 1 đại biểu; đối với cấp huyện và cơ sở phân bổ 16 đại biểu chiếm 30,7%, trong đó lãnh đạo chủ chốt cấp huyện mỗi đơn vị 01 đại biểu (Bí thư hoặc Phó Bí thư Thường trực kiêm Chủ tịch HĐND), 06 đại biểu ở cơ sở là người ngoài Đảng và trẻ tuổi.
Dự kiến đại biểu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan của HĐND tỉnh là 11 người, giảm 2 đại biểu so với nhiệm kỳ trước là do quy định của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2019, nếu Trưởng Ban là đại biểu chuyên trách thì có 01 Phó Trưởng ban chuyên trách. Đảng đoàn HĐND tỉnh thống nhất bố trí ở nhiệm kỳ mới cả Trưởng ban và Phó Trưởng ban làm nhiệm vụ chuyên trách. Qua kinh nghiệm hoạt động nhiệm kỳ vừa qua cho thấy, tăng đại biểu chuyên trách hoạt động có hiệu quả hơn; chất lượng báo cáo thẩm tra, chất vấn được nâng lên (chất vấn tại kỳ họp chủ yếu là đại biểu chuyên trách); công tác giám sát, khảo sát, nắm tình hình tại cơ sở được tăng cường; việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri cơ bản được các cấp, các ngành quan tâm, trách nhiệm. Cho nên hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân được nâng lên một bước, vị trí, vai trò của cơ quan dân cử được đánh giá cao.
Đánh giá kết quả hoạt động của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên nhiệm kỳ 2016-2021 vừa qua không thể không kể đến vai trò của đại biểu hoạt động chuyên trách. Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh được bố trí gần như tối đa đại biểu hoạt động chuyên trách (đầu nhiệm kỳ 13 đại biểu hoạt động chuyên trách), Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội có Trưởng ban và 02 Phó Trưởng ban chuyên trách; Ban Dân tộc, Ban Pháp chế bố trí mỗi ban 2 đại biểu giữ chức danh Trưởng ban và Phó Trưởng ban. Các Ban HĐND tỉnh hoạt động tương đối đều tay, đa số đại biểu chuyên trách đã làm nhiệm vụ đại biểu từ 1 đến 2 nhiệm kỳ, có tâm huyết, có kinh nghiệm và kỹ năng hoạt động, có kiến thức hiểu biết về pháp luật, am hiểu tình hình kinh tế xã hội của địa phương, tập quán của đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Đây là những điều kiện thuận lợi và tiền đề quan trọng để các đại biểu hoạt động chuyên trách làm tốt nhiệm vụ của mình.
Đến nay, sau hội nghị hiệp thương lần ba đã thống nhất lựa chọn và lập danh sách chính thức 88 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026. Cơ cấu cụ thể như sau: Nữ 34 người, chiếm 38,64%; Dân tộc thiểu số 52 người, chiếm 59,1% (trong đó: Dân tộc Mông 19 người, Thái 17 người, Dao 2 người, Hà Nhì 2 người, Khơ Mú 2 người, Lào 2 người, Mường 2 người, Tày 2 người, Kháng 2 người, Nùng 1 người, Nhắng 1 người); dân tộc Kinh 36 người, chiếm 40,9%; Trẻ tuổi 35 người, chiếm 39,77%; Người ngoài Đảng 14 người, chiếm 15,91%; Tái cử 21 người, chiếm 23,86%. Về trình độ: Trên Đại học 38 người, chiếm 43,18%; Đại học 43 người, chiếm 48,86%; dưới Đại học 01 người, chiếm 1,14%; chưa qua đào tạo 06 người, chiếm 6,82%.
Nhiệm kỳ 2021-2026 sắp tới, thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, việc lựa chọn những người ứng cử Hội đồng nhân dân tỉnh, có tâm, có tầm, đáp ứng được sự mong mỏi của cử tri là việc làm rất quan trọng của Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh, Thường trực HĐND nhiệm kỳ 2016-2021. Hội đồng nhân dân có thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương chính là ở các vị đại biểu Hội đồng nhân dân được cử tri bầu ra./.
Nhữ Văn Quảng
Trưởng ban VH-XH, HĐND tỉnh