Nghiên cứu - Trao đổi  

Một số quy định mới về việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Cập nhật ngày 09/10/2020 08:19:39 AM - Lượt xem: 256

HĐND - Ngày 14/9/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2020/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Theo đó, Nghị định có một số quy định mới về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh như sau:


Thứ nhất, về số lượng các Sở: Nghị định định mới giữ nguyên 17 Sở được tổ chức thống nhất ở tất cả các tỉnh, thành như Nghị định số 24/2014/NĐ-CP; tuy nhiên, có sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ của một số Sở, cụ thể: Sở Nội vụ bổ sung nhiệm vụ tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; tín ngưỡng. Sở Tư pháp bỏ chức năng kiểm soát thủ tục hành chính (chức năng này đã được chuyển về Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh). Sở Công thương bỏ quy định về tham mưu UBND tỉnh trong quản lý vật liệu xây dựng. Sở Tài nguyên và Môi trường bổ sung quy định về tham mưu UBND tỉnh quản lý chất thải rắn (trước đây thuộc Sở Xây dựng). Thanh tra tỉnh bổ sung chức năng tham mưu UBND tỉnh quản lý nhà nước về tiếp công dân (trước đây chức năng này thuộc Văn phòng UBND tỉnh)... Đối với các Sở đặc thù được thành lập ở một số địa phương, ngoài 03 Sở đã được quy định tại Nghị định 24/2014/NĐ-CP, Nghị định mới có quy định thêm Sở Du lịch, tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực du lịch; Sở Du lịch được thành lập khi đáp ứng đủ các tiêu chí sau: (1) Có di sản văn hóa vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản thế giới hoặc có tài nguyên và tiềm năng du lịch nổi trội (có khu du lịch quốc gia, điểm du lịch quốc gia hoặc đô thị du lịch, điểm tham quan, nghỉ dưỡng có quy mô lớn, nổi bật); (2) Ngành du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có giá trị kinh tế từ du lịch đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) hàng năm của địa phương với tỷ trọng từ 10% trở lên trong 5 năm liên tục.

Thứ hai, về cơ cấu tổ chức của Sở: Nghị định 107/2020/NĐ-CP chỉ quy định “cứng” là Phòng chuyên môn, nghiệp vụ; còn đối với Thanh tra, Văn phòng, Chi cục và đơn vị sự nghiệp thì quy định “nếu có” (Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định “cứng” gồm Văn phòng, Thanh tra và phòng chuyên môn, nghiệp vụ). Bên cạnh đó, Nghị định 107/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định về tiêu chí thành lập phòng chuyên môn, nghiệp vụ, Văn phòng, chi cục, đơn vị sự nghiệp thuộc Sở.

Thứ ba, về người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu S và số lượng cấp phó của các tổ chức, đơn vị thuộc S: Nghị định 107/2020/NĐ-CP bổ sung quy định Người đứng đầu Sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là Giám đốc sở) là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu, là người đứng đầu Sở do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trước pháp luật về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo Quy chế làm việc và phân công của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Bổ sung quy định Cấp phó của người đứng đầu sở thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau đây gọi chung là Phó Giám đốc sở) do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc sở, giúp Giám đốc sở thực hiện một hoặc một số nhiệm vụ cụ thể do Giám đốc sở phân công và chịu trách nhiệm trước Giám đốc sở và trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được phân công. Khi Giám đốc sở vắng mặt, một Phó Giám đốc sở được Giám đốc sở ủy nhiệm thay Giám đốc sở điều hành các hoạt động của sở. Phó Giám đốc sở không kiêm nhiệm người đứng đầu tổ chức, đơn vị thuộc và trực thuộc Sở, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Về số lượng Phó Giám đốc, Nghị định bổ sung quy định cụ thể: Bình quân mỗi Sở có 03 Phó Giám đốc. Căn cứ số lượng Sở được thành lập và tổng số lượng Phó Giám đốc, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể số lượng Phó Giám đốc của từng Sở cho phù hợp. Riêng thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài tổng số lượng Phó Giám đốc theo quy định tính bình quân chung thì mỗi thành phố được tăng thêm không quá 10 Phó Giám đốc. Như vậy, theo Nghị định 107/2020/NĐ-CP thì có Sở có thể bố trí 01 Phó Giám đốc, có Sở có thể bố trí nhiều hơn 03 Phó Giám đốc sao cho đảm bảo tổng số lượng cấp phó tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh không vượt tổng số theo quy định.

Về số lượng Phó Trưởng phòng thuộc Sở, Nghị định 107/2020/NĐ-CP đã bổ sung quy định như sau: Phòng thuộc Sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có dưới 10 biên chế công chức, phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại I có dưới 09 biên chế công chức và phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại II và loại III có dưới 08 biên chế công chức được bố trí 01 Phó Trưởng phòng; Phòng thuộc Sở của thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có từ 10 đến 14 biên chế công chức, phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại I có từ 09 đến 14 biên chế công chức và phòng thuộc Sở của cấp tỉnh loại II và loại III có từ 08 đến 14 biên chế công chức được bố trí không quá 02 Phó Trưởng phòng; Phòng thuộc sở có từ 15 biên chế công chức trở lên được bố trí không quá 03 Phó Trưởng phòng…

Nghị đinh này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2020. Việc sắp xếp các tổ chức thuộc Sở theo tiêu chí quy định tại Nghị định này hoàn thành trước ngày 31 tháng 3 năm 2021. Trong quá trình thực hiện sắp xếp lại tổ chức, số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị do sáp nhập, hợp nhất có thể cao hơn quy định tại Nghị định này, nhưng khi có cấp phó nghỉ hưu hoặc điều chuyển công tác thì không được bổ sung và phải có giải pháp điều chỉnh, sắp xếp lại số cấp phó vượt quy định để bảo đảm trong thời hạn 03 năm kể từ ngày sáp nhập, hợp nhất số lượng cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị phải thực hiện theo đúng quy định./.

Bảo An

 

 


Tin liên quan
Một số giải pháp thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ cho học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân
Một số kinh nghiệm tham gia ý kiến vào quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Hội đồng nhân dân
Hoạt động giám sát của HĐND được quan tâm, chú trọng
Chính sách thu hút những người có trình độ cao trên địa bàn tỉnh: Hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng
Phấn đấu đến năm 2030 cơ bản không còn xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021
Phòng Tổng hợp - Văn phòng HĐND tỉnh: Thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp việc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
Chuyên mục “Đại biểu dân cử với cử tri”: những tín hiệu tích cực
Nữ đại biểu dân cử được Nhân dân tin yêu