Sau 5 năm thực hiện Luật Công chứng và Nghị định số 23/2015/NĐ-CP, ngày 16/02/2015 của Chính phủ; được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Tư pháp đã đạt được những kết quả tích cực; khẳng định chủ trương xã hội hóa công chứng là đúng đắn, tạo điều kiện cho phát triển tổ chức hoạt động công chứng theo hướng chuyên nghiệp hóa; góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; việc phát triển Văn phòng công chứng đã góp phần phục vụ nhu cầu công chứng của nhân dân, tạo được sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động công chứng. Phòng công chứng cũng được đổi mới, tăng cường tính chuyên nghiệp theo hướng hiện đại. Các hợp đồng, giao dịch tại địa phương ngày càng tăng không chỉ về số lượng, giá trị mà cả tính phức tạp. Ngoài các hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định bắt buộc phải công chứng thì số lượng các hợp đồng giao dịch mà cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng cũng tăng và trở nên phổ biến. Trong giai đoạn báo cáo việc thu, nộp, quản lý, sử sụng phí công chứng, toàn tỉnh đã thu được tổng số phí công chứng trên 17 tỷ đồng, nộp ngân sách, nộp thuế trên 3 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Tư pháp đã gặp phải không ít những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách pháp luật về công chứng, chứng thực như: chưa có chính sách hỗ trợ phát triển nguồn Công chứng viên nên khó phát triển Tổ chức hành nghề công chứng; việc công chứng bản dịch từ Tiếng việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại còn khó khăn do trình độ ngoại ngữ của công chứng viên còn hạn chế; tình hình tội phạm làm giả văn bằng, giấy tờ, tài liệu ngày càng tinh vi, phức tạp; một số quy định của Luật Công chứng còn bộc lộ những điểm bất cập, gây khó khăn trong quá trình thực hiện... Tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi làm rõ một số nội dung còn bất cập, gây khó khăn trong quá trình thực hiện quy định pháp luật về công chứng, chứng thực, đồng thời đề ra một số giải pháp để thực hiện trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Bá Lung, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh đã ghi nhận những kết quả tích cực ngành Tư pháp đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề nghị Sở Tư pháp sớm tham mưu cho UBND tỉnh một số nội dung liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực, đặc biệt sớm tham mưu cho UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí để mở lớp đào đạo nghề công chứng tại tỉnh để phát triển nguồn công chứng viên, nhằm đáp ứng nhu cầu trong hoạt động công chứng, chứng thực tại địa phương.
Buổi sáng cùng ngày, Đoàn giám sát đã đến thăm, làm việc với Văn phòng Công chứng Xuân Phúc và Văn phòng Công chứng Điện Biên, 02 Văn phòng Công chứng được thành lập theo Quyết định của UBND tỉnh Điện Biên, là tổ chức dịch vụ công, thay mặt cho Nhà nước chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của các hợp đồng, giao dịch, có con dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác, chịu sự quản lý của Sở Tư pháp và sự quản lý, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Bổ trợ Tư pháp - Bộ Tư pháp. Thời gian qua, 02 Văn phòng Công chứng đã thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực; có đội ngũ công chứng viên và chuyên viên chuyên nghiệp, luôn có ý thức cao trong việc tuyên truyền cho người dân, khách hàng, thông qua việc công chứng các hợp đồng, giao dịch, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được đảm bảo, ngăn ngừa tranh chấp, giảm thiểu rủi ro, hướng dẫn nhân dân trong việc thực hiện quy định pháp luật; góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Việc thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng, phí chứng thực được cả 02 Văn phòng Công chứng thực hiện đảm bảo theo quy định của pháp luật; giai đoạn từ năm 2015-2019, Văn phòng Công chứng Xuân phúc đã thu được hơn 11 tỷ đồng từ phí công chứng, nộp ngân sách nhà nước hơn 1 tỷ đồng./.
Đỗ Dung