Hoạt động của HĐND tỉnh  

Cần mở rộng quy mô trường, lớp dạy tiếng dân tộc cho học sinh các cấp học trên địa bàn toàn tỉnh

Cập nhật ngày 31/08/2020 08:38:38 AM - Lượt xem: 256

HĐND - Sáng ngày 28/8/2020, đoàn giám sát của HĐND tỉnh (Tổ số 1) đã làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo về "Kết quả thực hiện Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh Tiểu học, THCS tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2016 - 2020" theo nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh. Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - trưởng đoàn, chủ trì buổi làm việc.


Giai đoạn 2016 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục triển khai, thực hiện Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh Tiểu học, THCS tỉnh Điện Biên. Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo: việc triển khai thực hiện Đề án luôn nhận được quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện của cấp ủy chính quyền các cấp. Kinh phí triển khai Đề án được cấp đầy đủ, kịp thời theo kế hoạch từng năm. Giáo viên dạy tiếng Thái, tiếng Mông nhiệt tình, tâm huyết, có trách nhiệm trong giảng dạy, có kiến thức chuyên môn tốt và được đào tạo, bồi dưỡng hàng năm. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành các Thông tư, Quyết định về Chương trình tiếng Mông, tiếng Thái cấp Tiểu học, là cơ sở để các trường phổ thông trong tỉnh triển khai thực hiện giảng dạy cho học sinh. Hiện nay, có 28 trường dạy tiếng Thái (143 lớp, 3.402 học sinh) và 27 trường dạy tiếng Mông (172 lớp, 4.696 học sinh) cho học sinh Tiểu học; 20 trường dạy tiếng Thái (119 lớp, 3.994 học sinh) và 25 trường dạy tiếng Mông (128 lớp, 4.591 học sinh) cho học sinh THCS. Hàng năm, tỷ lệ học sinh tiểu học hoàn thành chương trình môn học tiếng Thái đạt 99,2%, tiếng Mông đạt 98,9%; học sinh THCS hoàn thành chương trình môn học tiếng Thái đạt 99,5%, tiếng Mông đạt 99,3%. Thông qua việc học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, học sinh được trang bị những kiến thức cơ bản về một số lễ hội truyền thống đặc sắc, các trò chơi dân gian; được biết thêm về xã hội, tự nhiên, con người, phong tục, tập quán, văn hóa của dân tộc mình, góp phần hun đúc thêm tình yêu tiếng mẹ đẻ, để học sinh tự nguyện đóng góp công sức vào sự giữ gìn, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Ngoài việc được học tiếng và chữ viết của dân tộc mình, học sinh còn được tham gia các hoạt động bảo tồn văn hóa các dân tộc như: sưu tầm ca dao, dân ca các dân tộc thiểu số; tìm hiểu và học cách sử dụng các nhạc cụ dân tộc; tìm hiểu văn hóa ẩm thực đặc sắc của dân tộc; tham gia các hội diễn văn nghệ, các hội thi trình diễn thời trang dân tộc; tham gia các trò chơi dân gian; tiếp xúc, gặp gỡ các nghệ nhân; chăm sóc các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn...

Đoàn giám sát đã chỉ ra một số hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Đề án so với những nhiệm vụ trọng tâm Nghị quyết số 24/NQ-HĐND ngày 14/10/2016 của HĐND tỉnh đã giao đối với ngành Giáo dục và Đào tạo như: Công tác kiểm tra, tư vấn của Ban giám hiệu các Trường có tổ chức dạy tiếng dân tộc cho học sinh chưa thường xuyên do kiến thức về tiếng dân tộc không nhiều; việc kiểm tra chất lượng, kiến thức tiếng dân tộc của học sinh phụ thuộc phần lớn vào giáo viên giảng dạy trực tiếp; học sinh người dân tộc Thái, dân tộc Mông sinh sống tại địa bàn vùng thuận lợi ít sử dụng tiếng nói của dân tộc mình hoặc không hề biết nói tiếng mẹ đẻ do vốn từ ít; một bộ phận người dân chưa thực sự quan tâm đến việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương tổng kết, đánh giá việc thực hiện Đề án trong giai đoạn 2016 - 2020 và xây dựng kế hoạch mở rộng quy mô trường, lớp dạy tiếng dân tộc cho học sinh các cấp học tại 10/10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh, để tất cả học sinh người dân tộc đều phải biết tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, sử dụng được thành thạo tiếng nói của dân tộc mình trong giao tiếp hằng ngày, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc./.

Nguyễn Dung

 

 


Tin liên quan
Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội
Cần có nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả trong việc bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc
Thường trực HĐND tỉnh họp đánh giá, rút kinh nghiệm kỳ họp thứ 14 và xem xét đề xuất dự kiến nội dung trình tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh
Cử tri huyện Mường Ảng đánh giá cao kết quả kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh
Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh thông qua 19 Nghị quyết
HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV: Bầu bổ sung Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách và Ủy viên UBND tỉnh
HĐND tỉnh tiếp tục đề cao trách nhiệm trước nhân dân, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2020 và cả nhiệm kỳ
HĐND tỉnh Điện Biên: Khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 14, khoá XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021
Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nhất trí trình HĐND tỉnh Ban hành Quy định mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng các loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Ban Dân tộc HĐND nhất trí trình HĐND tỉnh Ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ nhân viên y tế thôn, bản và cô đỡ thôn, bản trên địa bàn tỉnh Điện Biên