Nghiên cứu - Trao đổi  

Một số giải pháp trong việc nâng cao chất lượng ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh hàng năm

Cập nhật ngày 27/05/2020 09:25:19 AM - Lượt xem: 256

HĐND - Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh hàng năm của HĐND là văn bản pháp lý quan trọng để cụ thể hóa chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước vào tình hình thực tiễn của địa phương hằng năm. Các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tổng thể, trọng tâm được HĐND xem xét, thảo luận và quyết định tại kỳ họp là cơ sở, định hướng để các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức triển khai thực hiện, nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của cấp ủy, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh ở địa phương, tạo tiền đề phát triển cho những năm tiếp theo.


Từ đầu nhiệm kỳ 2016 - 2021 đến nay, HĐND tỉnh Điện Biên tổ chức 12 kỳ họp, ban hành  08 nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh (6 tháng và 01 năm). Các Nghị quyết được ban hành đảm bảo đúng thẩm quyền, đánh giá được tổng thể thực trạng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh, đồng thời đề ra được các mục tiêu, nhóm chỉ tiêu và hệ thống các giải pháp để HĐND, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đời sống của nhân dân được nâng lên trong năm tiếp theo. Nhờ xác định được đúng, trúng, sát thực tiễn của tỉnh nên các mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh đều đạt và vượt so với nghị quyết hàng năm đề ra (tốc độ phát triển kinh tế GRDP năm 2016: 6,83%; năm 2017: 7,09%; năm 2018: 7,15%; năm 2019: 7,2%).

Đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận tổ,

tại kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XIV

Đạt được kết quả nêu trên, là do Thường trực HĐND tỉnh đã tập trung lãnh đạo việc chuẩn bị Dự thảo nghị quyết từ khâu soạn thảo, thẩm tra, gợi ý, điều hành phiên thảo luận và biểu quyết thông qua đảm bảo tính khái quát cao, đáp ứng các yêu cầu cả về phương diện lý luận và thực tiễn, trong đó xác định rõ về: hình thức và thẩm quyền ban hành nghị quyết; nội dung về mục tiêu tổng quát và 03 nhóm chỉ tiêu và giải pháp cơ bản gồm: phát triển kinh tế, xã hội, môi trường phải cụ thể, sát với điều kiện của tỉnh; xác định trách nhiệm cụ thể đối với HĐND, UBND và các cấp, các ngành liên quan trong tổ chức thực hiện Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh hàng năm của tỉnh…; đồng thời cũng đề nghị Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên giám sát, động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các nội dung nghị quyết đề ra…. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, thẩm tra và biểu quyết thông qua nghị quyết vẫn còn một số những vướng mắc nhất định đó là:

Việc xác định Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh hàng năm là nghị quyết QPPL hay nghị quyết cá biệt trên thực tế vẫn chưa rõ ràng và hướng dẫn hình thức ban hành nghị quyết chưa thống nhất, do đó trước đây HĐND tỉnh Điện Biên ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội hàng năm dưới hình thức Nghị quyết quy phạm pháp luật. Kể từ khi Luật ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực thi hành cho đến nay, Thường trực HĐND tỉnh xác định Nghị quyết được ban hành dưới hình thức Nghị quyết cá biệt vì những nội dung của nghị quyết chưa đảm bảo những dữ liệu của Văn bản QPPL.

Về tên gọi của nghị quyết chưa thống nhất: có ý kiến đề nghị đặt tên của nghị quyết là "Nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm ..."; có ý kiến khác đề nghị chỉ nên đặt tên gọi là "Nghị quyết về mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm...". Về căn cứ pháp lý: có một số ý kiến cho rằng chỉ có một căn cứ duy nhất đó là Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015; có một số ý kiến khác cho rằng cần nghiên cứu bổ sung thêm một số căn cứ khác cho đầy đủ. Đối với bố cục và nội dung nghị quyết có ý kiến đề nghị đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch năm trước và đề ra mục tiêu, giải pháp năm sau; có ý kiến đề nghị nội dung đi thẳng vào mục tiêu, chỉ tiêu và nhóm giải pháp của năm chứ không nêu lại kết quả thực hiện năm trước...

Thời gian gửi dự thảo nghị quyết để các Ban HĐND thẩm tra chưa đảm bảo theo quy định dẫn đến công tác thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh không kịp thời, chất lượng nghị quyết chưa đạt theo mong muốn. Đại biểu HĐND phần lớn là kiêm nhiệm, thời gian dành cho nghiên cứu các văn bản chưa nhiều; ít được tham gia nghiên cứu sâu những vấn đề có liên quan thuộc ngành, lĩnh vực chuyên môn... nên trong góp ý, thảo luận nghị quyết còn hạn chế, chủ yếu do đại biểu chuyên trách hoặc thành viên các Ban thực hiện.

Với những khó khăn nhất định nêu trên, HĐND tỉnh Điện Biên đã họp, bàn bạc và thống nhất: để nâng cao chất lượng ban hành nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh hàng năm dưới hình thức là nghị quyết QPPL hay nghị quyết cá biệt đều phải chuyển tải đầy đủ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm tham gia trong thực hiện của các tổ chức, đơn vị, địa phương và tuân thủ nguyên tắc "đúng thẩm quyền, đúng pháp luật". Do đó, từ kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Điện Biên khóa XIV, nhiệm kỳ 2016-2021 đã chính thức ban hành Nghị quyết dưới hình thức Nghị quyết cá biệt với bố cục và nội dung được áp dụng thống nhất (Điều 1: Mục tiêu tổng quát; Điều 2: Các chỉ tiêu chủ yếu; Điều 3: nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu; Điều 4: Tổ chức thực hiện) đối với HĐND các cấp của tỉnh Điện Biên.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng và hiệu quả ban hành nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh hàng năm phù hợp với điều kiện và đặc thù của tỉnh, cần phải thực hiện tốt một số giải pháp, đó là:

Một là: Việc ban hành nghị quyết của HĐND phải bám sát nghị quyết về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị hàng năm của BCH Đảng bộ tỉnh làm cơ sở để tổ chức và triển khai, đồng thời phải cụ thể hóa những mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.

Hai là: Thường xuyên trao đổi, tham gia ý kiến với UBND tỉnh ngay từ quá trình lấy ý kiến vào nội dung chuẩn bị kỳ họp HĐND; chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh thực hiện tốt công tác phối hợp, nghiên cứu, tham gia ý kiến từ khi khởi thảo đến khi hoàn thiện nội dung với cơ quan chủ trì xây dựng nghị quyết để đảm bảo tính hệ thống và chặt chẽ; phân công các Ban HĐND thực hiện thẩm tra báo cáo và dự thảo nghị quyết theo lĩnh vực ngay từ khi UBND tỉnh trình, xin ý kiến của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bảo đảm khoa học, đúng lĩnh vực; đồng thời giao Ban Kinh tế - Ngân sách chủ trì, tổng hợp nội dung thẩm tra của các Ban thành một báo cáo thẩm tra chung theo hướng ngắn gọn, trọng tâm, thể hiện rõ quan điểm của HĐND nội dung đồng ý, nội dung không đồng ý, nội dung yêu cầu giải trình làm rõ và những đề xuất, kiến nghị cụ thể.

Ban hành văn bản gợi ý thảo luận gửi đại biểu để định hướng đại biểu tập trung thảo luận vào những nội dung trọng tâm trong dự thảo nghị quyết, trong Báo cáo thẩm tra..., qua đó để đại biểu HĐND xem xét, thảo luận và quyết định thông qua nghị quyết có chất lượng và hiệu quả.

Ba là: Việc trình các báo cáo, dự thảo nghị quyết nói chung và nghị quyết về kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại phiên đầu tiên của kỳ họp HĐND tỉnh được đổi mới theo hướng giảm thời gian trình bày toàn văn sang trình bày báo cáo tóm tắt để dành thời gian nhiều hơn cho đại biểu trao đổi, thảo luận, đối thoại, tranh luận đối với từng nội dung của nghị quyết.

Ngay sau phiên thảo luận tổ, Thường trực HĐND tỉnh giao Ban HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh, Sở Tư pháp và cơ quan tham mưu nghị quyết tổ chức họp để tiếp thu, giải trình những nội dung đại biểu tham gia vào dự thảo nghị quyết; hoàn thiện nghị quyết đã được tiếp thu, chỉnh sửa để trình HĐND tỉnh tại phiên họp thông qua nghị quyết của HĐND.

Quá trình thông qua nghị quyết, các nội dung còn có những ý kiến khác nhau, chủ tọa yêu cầu UBND tỉnh, các cơ quan liên quan, giải trình; khi tiến hành thông qua thì tổ chức biểu quyết từng nội dung mà các đại biểu quan tâm, có ý kiến khác nhau; sau đó tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ nghị quyết nhờ đó đã tạo được sự thống nhất khi đại biểu thông qua Nghị quyết.

Bốn là: Sau kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương nơi đại biểu ứng cử tổ chức tiếp xúc cử tri để truyên truyền nghị quyết tới các tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân trong quá trình tổ chức thực hiện nghị quyết.

Phân công các Ban, các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường giám sát, nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện những bất cập trong triển khai, thực hiện nghị quyết. Lắng nghe các ý kiến phản hồi của các đối tượng chịu sự tác động của nghị quyết để kịp thời cho đạo, đôn đốc, điều chỉnh, bổ sung nghị quyết, đảm bảo các nghị quyết của HĐND phát huy hiệu quả.

Đề nghị Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận tăng cường giám sát, động viên các tầng lớp nhân dân trong tỉnh thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh.

Phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Hội nghị toàn tỉnh để triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh hàng năm đến các cấp, các ngành trong tỉnh để thảo luận và đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, với những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đã đề ra./.

Nguyễn Quang Lâm

Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh

 

 


Tin liên quan
Một số kết quả đạt đượctrong sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Điện Biên
Chuẩn bị kịp thời, nghiêm túc để tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ Văn phòng HĐND tỉnh lần thứ IV Nhiệm kỳ 2020 - 2025
Đồng hành cùng Nhân dân biên giới
" Bà Loan rừng"
Hiệu quả mô hình trường phổ thông DTBT ở Ðiện Biên
Chính quyền địa phương được đổi mới theo hướng tinh gọn, linh hoạt và hiệu quả
Đề xuất ban hành chế độ phụ cấp cho nhân viên y tế và cô đỡ thôn, bản trên địa bàn tỉnh
Đảng bộ Văn phòng HĐND tỉnh tổ chức sinh hoạt chuyên đề
Kinh nghiệm và giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Điện Biên
Kinh nghiệm và giải pháp trong công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND của Văn phòng Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên