Nghiên cứu - Trao đổi  

Hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên: Hiệu quả thiết thực

Cập nhật ngày 04/02/2020 09:31:12 AM - Lượt xem: 256

HĐND - Trong thời gian qua, hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh được quan tâm, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, qua đó thể hiện được quyền, trách nhiệm của Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND cũng như trách nhiệm của UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan đối với những vấn đề nổi cộm được cử tri và nhân dân quan tâm, kết quả phiên giải trình đã khẳng định được vai trò, năng lực, hiệu quả của HĐND góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh.


 
Đồng chí Lò Văn Muôn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại phiên họp giải trình. Ảnh: LH
 
Trong thời gian qua, hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh được quan tâm, chất lượng, hiệu quả được nâng lên, qua đó thể hiện được quyền, trách nhiệm của Thường trực HĐND tỉnh, đại biểu HĐND cũng như trách nhiệm của UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan đối với những vấn đề nổi cộm được cử tri và nhân dân quan tâm, kết quả phiên giải trình đã khẳng định được vai trò, năng lực, hiệu quả của HĐND góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. 
Từ phiên giải trình được tổ chức lần đầu năm 2017, đến nay Thường trực HĐND tỉnh đã tổ chức được 04 phiên giải trình theo hình thức trực tuyến đến các huyện, thị xã, thành phố địa phương. Quy trình tổ chức phiên giải trình được Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo tổ chức chặt chẽ, tùy theo vấn đề giải trình để triệu tập, mời lãnh đạo UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ngành, đơn vị liên quan đến dự và giải trình những vấn đề cử tri, đại biểu quan tâm. Thành phần tham dự phiên họp giải trình đa dạng, ngoài những đại biểu chuyên trách của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh còn mời những đại biểu kiêm nhiệm, những đại biểu có chuyên môn sâu, quan tâm đến nội dung giải trình tham dự và phát biểu ý kiến; tại điểm họp trực tuyến tại các huyện, thị xã, thành phố, Thường trực HĐND tỉnh mời Chủ tịch HĐND, UBND cấp huyện, các Ban HĐND và những phòng, ban, đơn vị liên quan dự họp để tiếp thu, giải trình thêm nếu cần thiết; ngoài ra Thường trực HĐND tỉnh mời đại biểu HĐND tỉnh ứng cử và đang công tác trên địa bàn huyện tham dự và phát biểu tại phiên họp giải trình, đồng thời cũng là cơ hội để Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh học tập và tổ chức thực hiện trong hoạt động của mình.
Chủ đề của phiên giải trình thuộc lĩnh vực chuyên sâu được Thường trực HĐND tỉnh phân công 01 Ban HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban khác của HĐND, Văn phòng HĐND tỉnh nghiên cứu, chọn lọc từ giám sát của đại biểu, các Ban HĐND tỉnh, từ dư luận xã hội, từ kiến nghị cử tri, tập trung vào những vấn đề lớn, nổi cộm được cử tri và nhân dân quan tâm. Khi cần thiết Thường trực HĐND tỉnh yêu cầu các Ban HĐND tỉnh tổ chức khảo sát tại các cơ quan, đơn vị và địa phương để nắm bắt tình hình, có minh họa cụ thể để chuẩn bị nội dung câu hỏi giải trình, đây là một trong những yếu tố quan trọng được được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao. Cùng với đó, tranh thủ sự tham gia ý kiến của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đối với nội dung dự kiến đưa ra giải trình. Thực tế cho thấy, nhiều nội dung giải trình được Ủy ban MTTQ tỉnh dày công nghiên cứu, khảo sát, nắm tình hình để đề xuất với Thường trực HĐND tỉnh nên chất lượng, kết quả giải trình được chú trọng và hiệu quả đạt được thiết thực. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND tỉnh cũng chú trọng đến việc cung cấp thông tin cho đại biểu bằng việc chỉ đạo Văn phòng HĐND tỉnh đăng tải kịp thời các báo cáo, tài liệu liên quan đến nội dung giải trình lên Cổng Thông tin Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh để đại biểu tiếp cận, nghiên cứu, khuyến khích, động viên đại biểu tham gia đặt câu hỏi giải trình nhất là đối với đại biểu cơ sở, qua đó tạo sự lan tỏa trong hoạt động giải trình của Thường trực HĐND tỉnh.
Tại các phiên giải trình, ngoài việc yêu cầu trả lời trực tiếp bằng văn bản, phiên giải trình còn được diễn ra với tinh thần nghiêm túc, không khí thảo luận, tranh luận sôi nổi, cầu thị. Tính từ năm 2017 đến nay, đã có 34 lượt đại biểu nêu 101 câu hỏi, ý kiến, tranh luận với lãnh đạo UBND tỉnh, các Ủy viên UBND tỉnh là Giám đốc các sở, ngành, đơn vị liên quan. Đa số các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, trọng tâm, rõ địa chỉ và gắn với trách nhiệm của giám đốc các sở, ngành, người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý và yêu cầu làm rõ các biện pháp khắc phục, lộ trình thực hiện và thời gian hoàn thành. Thông qua đối thoại, tranh luận trực tiếp giữa đại biểu với người trả lời đã làm rõ hơn các nội dung các đại biểu, nhân dân và cử tri quan tâm mà còn tạo không khí dân chủ nghiêm túc qua đó nâng cao hơn trách nhiệm của người được giải trình cũng như đại biểu HĐND tỉnh.
Chủ tọa điều hành phiên giải trình linh hoạt, khoa học, mềm dẻo nhưng vẫn kiến quyết khi xử lý những tình huống phát sinh, tạo không khí sôi nổi, thẳng thắn nhưng vẫn mang tính xây dựng. Sau mỗi nội dung giải trình, Chủ tọa kết luận rõ ràng, đề nghị lãnh đạo UBND tỉnh giải trình bổ sung nếu thấy cần thiết để làm rõ vấn đề. Kết thúc phiên giải trình, Thường trực HĐND tỉnh đã ban hành Thông báo kết luận chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân cần khắc phục và trách nhiệm của UBND tỉnh, của các sở, ngành liên quan, đồng thời chỉ ra được những giải pháp tiếp theo cũng như hướng xử lý các vấn đề đã được nêu ra; giao các Ban HĐND tỉnh, đại biểu HĐND tỉnh theo dõi, đôn đốc, khi cần thiết tổ chức giám sát việc thực hiện các cam kết của UBND tỉnh, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giải trình để thông báo cho người yêu cầu giải trình và báo cáo với HĐND tỉnh trong kỳ họp tới về kết quả thực hiện sau giải trình.
Hiệu quả của các phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh đã tạo nên hiệu ứng tích cực, được Thường trực HĐND cấp huyện học tập và tổ chức giải trình tại địa phương mình, điển hình như thành phố Điện Biên Phủ, các huyện: Mường Ảng, Mường Chà, Tủa Chùa… và tạo được sự lan tỏa lớn, được cử tri quan tâm theo dõi, đánh giá cao, kết quả đó được thể hiện rõ nét như: công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử, công trình văn hóa, danh lam thắng cảnh; quản lý, đầu tư xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh; việc triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh chậm tiến độ so với kế hoạch,… đều có chuyển biến tích cực, đến nay đã có 86/101 câu hỏi giải trình đã được UBND tỉnh và các ngành giải quyết, đạt tỷ lệ 85,1%. Có được kết quả trên đã thực sự khẳng định vai trò, trách nhiệm của Thường trực HĐND tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn trong quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và nhất là việc hướng dẫn Thường trực HĐND cấp huyện trong việc tiếp thu, học tập mô hình tổ chức để triển khai thực hiện.
 
Nguyễn Quang Lâm, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh
 


Tin liên quan
Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về đấu giá quyền sử dụng đất; thu, quản lý sử dụng tiền đấu giá
Hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Nhìn lại nửa nhiệm kỳ
Chất lượng nước sinh hoạt một phần tất yếu của cuộc sống
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020
Hiệu quả tích cực trong công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc
Công tác khuyến học, khuyến tài tỉnh Điện Biên: Một nhiệm kỳ tích cực
HĐND TP. Điện Biên Phủ Phát huy vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa Phương
Khởi sắc một vùng biên
Năm Tý, tản mạn chuyện con Chuột