Nắm bắt tâm tư nguyện vọng của cử tri là một yêu cầu quan trọng của ĐBQH, bởi vậy hơn nữa nhiệm kỳ qua, các ĐBQH tỉnh đã dành nhiều thời gian cho công tác tiếp xúc cử tri (TXCT), đến nay đã tổ chức hơn 100 Hội nghị TXCT với nhiều hình thức như TXCT định kỳ, TXCT nơi cư trú, nơi làm việc, chuyên đề (trong đó đáng chú ý là Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 02 Hội nghị để ĐBQH tỉnh Đắc Lắc tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến tham gia vào các Dự án Luật). Địa điểm TXCT được tổ chức ở nhiều địa bàn khác nhau, trong đó chú trọng tới vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tìm hiểu thực tiễn, từ đó kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về xây dựng chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn đời sống nhân dân và địa bàn. Qua TXCT, đã tiếp thu trên 100 ý kiến, kiến nghị gửi tới Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương; chuyển 80 ý kiến, kiến nghị đến chính quyền địa phương đề nghị xem xét giải quyết. Đến nay các ý kiến, kiến nghị cử tri do Đoàn ĐBQH gửi đến đã được các cấp các ngành quan tâm, giải quyết đúng quy định. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đã được các ĐBQH chuyển đến Quốc hội thông qua việc phát biểu thảo luận tại Hội trường, tại Tổ thảo luận. Có thể nói công tác TXCT những năm qua tiếp tục được hoàn thiện cả về quy trình tổ chức và xử lý thông tin; chất lượng ngày được nâng cao, cử tri thực sự cởi mở, tin cậy ở các đại biểu Quốc hội.
Cùng với TXCT, công tác tiếp dân, tiếm nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân cũng được Đoàn ĐBQH tỉnh quan tâm triển khai, thực hiện; tổ chức tiếp công dân định kỳ vào ngày 25 hàng tháng tại Trụ sở tiếp công dân của tỉnh; tiếp thường xuyên tại trụ sở làm việc của Đoàn ĐBQH tỉnh; tiếp nhận được hơn 305 đơn thư, khiếu nại, tố cáo. Qua xem xét 100% đơn thư công dân gửi đến, Đoàn đã chuyển đơn thư đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải quyết; đồng thời thường xuyên giám sát, đôn đốc các cơ quan, ban, ngành, địa phương kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng của công dân.
Với chức năng, nhiệm vụ của người đại biểu nhân dân, Đoàn ĐBQH tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động xây dựng pháp luật, đã tổ chức 30 Hội nghị lấy ý kiến tham gia xây dựng luật, hội nghị tham vấn cử tri về các Dự án luật và các nội dung khác được trình tại kỳ họp Quốc hội; đồng thời gửi và đăng Dự thảo Luật trên Cổng thông tin điện tử để lấy ý kiến rộng rãi của cán bộ, công chức và nhân dân. Tại các kỳ họp quốc hội, các vị ĐBQH tỉnh đã tích cực nghiên cứu, phát biểu tham gia ý kiến, nhiều ý kiến tham gia đã được Ban soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý. Cùng tham gia, đề xuất với Quốc hội, tại kỳ họp thứ 8, lần đầu tiên, Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức công bố và triển khai ngay sau khi được Quốc hội biểu quyết thông qua. Đề án bao gồm hệ thống các giải pháp toàn diện nhằm khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải về chính sách, nguồn lực đầu tư và là căn cứ để xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tạo đột phá cho chính sách dân tộc nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền và địa phương; phát huy tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội của các vùng trong cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc. Mục tiêu chung của Đề án đến năm 2025 phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm trên 3%; phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số bằng ½ bình quân chung của cả nước; giảm hộ nghèo xuống dưới 10%;..
Bên cạnh đó, công tác giám sát được Đoàn ĐBQH, ĐBQH tổ chức thực hiện thường xuyên. Tại các kỳ họp, cùng với Quốc hội thảo luận xem xét, quyết định Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, đầu tư công; xem xét các báo cáo của các cơ quan chức năng theo quy định, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã chuyển đến Quốc hội, Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương nhiều kiến nghị, như: “bố trí kinh phí, tạo cơ chế thuận lợi để sớm thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên Phủ”; “ngoài sự quan tâm phân bổ các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, cần quan tâm chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các tập đoàn kinh tế lớn cùng có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ và tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh đối với các tỉnh miền núi, đặc biệt là các tỉnh biên giới”; “tiếp tục tăng cường nguồn lực quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng DTTS và miền núi, tạo điều kiện giao thông đi lại thuận lợi, thúc đẩy giao thương trao đổi hàng hóa nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, thu hút các nhà đầu tư vào vùng DTTS, miền núi”... Ngoài ra, ĐBQH tỉnh đã gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành nhiều ý kiến chất vấn liên quan đến các vấn đề thuộc các lĩnh vực như: Giáo dục, Tư pháp; Công thương; Nội vụ; Lao động, Thương binh và Xã hội; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Y tế… Các ý kiến chất vấn cơ bản được các thành viên Chính phủ trả lời, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của cá nhân, tập thể và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Giữa hai kỳ họp, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 12 cuộc giám sát, 04 cuộc khảo sát chuyên đề trên các lĩnh vực: Đất đai, tài chính, ngân hàng, giao thông, xây dựng, thủy điện, an toàn thực phẩm, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới… trên nhiều địa bàn, có nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa. Hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh đảm bảo đúng quy định Luật hoạt động giám sát, góp phần quan trọng vào kết quả hoạt động giám sát chung của Quốc hội. Qua giám sát Đoàn kịp thời kiến nghị với các cơ quan Quốc hội, Chính phủ hoàn thiện chính sách, pháp luật; các cơ quan chức năng khắc phục tồn tại, hạn chế nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Ngoài các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ quy định, Đoàn ĐBQH tỉnh tích cực vận động kêu gọi các nguồn lực để đầu tư xây dựng trường, lớp học cho các xã đặc biệt khó khăn, tặng quà cho người nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh nhân dịp tết Nguyên đán, ngày thương binh liệt sỹ hàng năm, với số tiền kêu gọi được hàng tỷ đồng.
Thời gian còn lại của nhiệm kỳ, Quốc hội khóa XIV còn 3 kỳ họp, năm 2020 tổ chức hai kỳ họp thứ 9 và thứ 10, là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; đồng thời xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tiếp theo. Năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị của đất nước, năm đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đoàn ĐBQH, các vị ĐBQH khóa XIV tỉnh Điện Biên xác định trong thời gian tới tiếp tục thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Quy chế kỳ họp Quốc hội, Quy chế hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH. Cùng với Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, hoàn thành chương trình, kế hoạch của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.
Hồ Văn Nam, Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh