Nghiên cứu - Trao đổi  

Chất lượng nước sinh hoạt một phần tất yếu của cuộc sống

Cập nhật ngày 03/02/2020 16:45:05 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, bằng nhiều nguồn vốn, tỉnh Điện Biên đã đầu tư xây dựng được 7 nhà máy cấp nước sạch cho cư dân ở đô thị (02 nhà máy đang xây dựng), 1.027 công trình cấp nước tự chảy nông thôn; 01 Công ty CP kinh doanh nước sạch và 01 Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường có chức năng quản lý nhà nước về nước sinh hoạt nông thôn. Chất lượng nước của các nhà máy cơ bản đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, các công trình nước sinh hoạt nông thôn chủ yếu là nước thô, tự chảy. Nguồn nước lấy từ đầu nguồn, khe suối nên chưa bị ô nhiễm nhiều chất thải của nhà máy cũng như hóa chất dùng trong nông nghiệp. Nhận thức của người dân về sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường, bảo vệ sức khỏe có chuyển biến tích cực. Khu vực đô thị người dân có ý thức sử dụng tiết kiệm nước, trang bị những thiết bị lọc nước để sử dụng nước phục vụ ăn uống, sinh hoạt. Khu vực nông thôn đã thành lập Tổ tự quản để quản lý, vận hành các công trình nước tự chảy, bước đầu xây dựng bể lắng, lọc trước khi sử dụng.


 
Đoàn giám sát Ban VH-XH HĐND tỉnh giám sát tại Công ty CP cấp nước tỉnh Điện Biên
 
Thực trạng chất lượng nước sinh hoạt
Tính đến hết năm 2019, dân cư đô thị được cấp nước sạch đạt tỷ lệ 99%, đạt chỉ tiêu Nghị quyết HĐND đề ra trước 1 năm, cụ thể các thị trấn: Huyện Mường Chà 97%, huyện Điện Biên Đông 95,4%, huyện Tủa Chùa 98,1%, thành phố Điện Biên Phủ 97,8%, huyện Mường Ảng 100%, huyện Tuần Giáo 98%, thị xã Mường Lay 100%. Công ty CP cấp nước Điện Biên đã cung cấp nước sạch cho hơn 31 ngàn khách hàng khu vực đô thị cũng như một số xã vùng lòng chảo huyện Điện Biên. Tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 81,97%, vượt so với mục tiêu của Nghị quyết HĐND đề ra trước 1 năm. Bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới WB, đến năm 2020 tỉnh đầu tư 20 công trình nước sinh hoạt nông thôn xử lý bằng Javen, lắp đặt đồng hồ đến hộ gia đình, chất lượng nước đảm bảo (đã hoàn thành đưa vào sử dụng 7 công trình, đang xây dựng 7 công trình, chuẩn bị đầu tư 6 công trình).
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh còn dân cư khu vực trung tâm 02 huyện chưa được dùng nước sạch: Nhà máy nước huyện Mường Nhé đầu tư từ năm 2012 đến nay chưa bàn giao đưa vào sử dụng, nhân dân còn dùng nước thô qua lắng lọc; Khu vực trung tâm huyện Nậm Pồ nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh do nhà máy nước đang được xây dựng. Thiết bị công nghệ lọc nước của các nhà máy ở các huyện đầu tư đã lạc hậu. Do đó, chất lượng nước không đảm bảo về mùa mưa, còn xảy ra hiện tượng thiếu nước cục bộ về mùa khô như Tủa Chùa, Mường Chà. Ngoài ra, hiện vẫn còn gần 20% cư dân nông thôn chưa được đầu tư công trình nước sinh hoạt. Nước sinh hoạt khu vực nông thôn chủ yếu là nước thô chưa qua xử lý, chất lượng nước phụ thuộc vào thời tiết, mùa mưa nước đục, không đảm bảo vệ sinh; nhiều công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc không còn hoạt động (362/1027 công trình); một số cấp ủy, chính quyền và người dân chưa quan tâm đến chất lượng nước sinh hoạt cũng như công tác quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình sau đầu tư. Tổ quản lý vận hành nước ở các thôn, bản hoạt động còn hình thức, hiệu quả thấp. 
Nguyên nhân của tình trạng trên là do chưa có quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng nước các công trình tự chảy ở nông thôn miền núi, nên công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước ở khu vực này chưa được thực hiện thường xuyên, nề nếp. Trung tâm Y tế huyện, Trạm y tế xã đánh giá chất lượng nước theo cảm quan; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh chỉ xét nghiệm các mẫu nước theo kế hoạch (do kinh phí hạn chế), do đó chất lượng nước sinh hoạt nông thôn không kiểm soát được, chưa đảm bảo theo quy chuẩn. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh chỉ có duy nhất một Công ty cổ phần cấp nước sạch khu vực đô thị đang quản lý 7 nhà máy. Công suất các nhà máy nước chưa theo kịp sự phát triển của đô thị, một số địa bàn dân cư đô thị chưa được cấp nước sạch sinh hoạt. Việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực nước sạch còn hạn chế. Các công trình nước sinh hoạt nông thôn được đầu tư từ nhiều năm trước, qua quá trình sử dụng và chịu tác động của mưa lũ nên đã xuống cấp, hư hỏng. Công tác bàn giao, quản lý, sử dụng sau đầu tư còn yếu kém; nguồn kinh phí để sửa chữa, bảo dưỡng hạn hẹp. Tổ quản lý vận hành nước không có kinh phí hoạt động.
Giải pháp nâng cao chất lượng nước sinh hoạt
Để quản lý chất lượng nước, nhất là nước tự chảy khu vực nông thôn, đề nghị Bộ Y tế ban hành Quy định về kiểm tra, giám sát chất lượng nước tự chảy sử dụng cho mục đích sinh hoạt ở khu vực nông thôn, miền núi làm căn cứ cho các địa phương thực hiện theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. UBND tỉnh cần chỉ đạo, khẩn trương xây dựng nhà máy nước sạch huyện Nậm Pồ; chỉ đạo UBND huyện Mường Nhé hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng công trình Nhà máy nước giai đoạn II và giao cho Công ty Cổ phần cấp nước Điện Biên quản lý và vận hành để người dân được sử dụng nước đảm bảo chất lượng; hướng dẫn về thẩm quyền quản lý, thẩm quyền quy định giá nước và mức giá nước cụ thể đối với công trình cấp nước tự chảy, công trình cấp nước có quy mô nhỏ do cộng đồng quản lý theo Thông tư liên tịch số 75/2012/TTLT-BTC-BXD-BNNPTNT ngày 15/5/2012 của liên Bộ Tài chính, Xây dựng, Nông nghiệp phát triển nông thôn, để có kinh phí duy trì hoạt động của Tổ quản lý vận hành, duy tu, bảo dưỡng công trình cũng như nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước. Chỉ đạo UBND cấp huyện lồng ghép các nguồn vốn có kế hoạch sửa chữa các công trình cấp nước sinh hoạt đã bị hư hỏng; thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn.
Sở Y tế phải tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định tại Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, nhất là Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh, Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, Trạm y tế các xã, phường, thị trấn phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chất lượng nước dùng cho mục đích sinh hoạt. Sở Nông nghiệp PTNT cần rà soát, đánh giá hiện trạng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn, tham mưu có hướng sửa chữa, nâng cấp các công trình hư hỏng để cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho nhân dân; chỉ đạo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn công tác quản lý, bảo dưỡng các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn; chấn chỉnh việc hướng dẫn Tổ quản lý thu tiền nước của các hộ dân, tổ chức.
UBND các huyện, thị xã, thành phố đưa mục tiêu cấp nước sạch cho cư dân đô thị, nước hợp vệ sinh cho cư dân nông thôn vào kế hoạch phát triển KTXH hàng năm; bố trí  kinh phí để thực hiện việc kiểm tra, giám sát, xét nghiệm đánh giá chất lượng nước tại các công trình tự chảy, nước giếng khoan, nước khe, suối và các công trình cấp nước tập trung khu vực nông thôn, trường học, bệnh viện. Chỉ đạo Trung tâm y tế, Trạm y tế xã thường xuyên kiểm tra, giám sát chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn, tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân có biện pháp lọc nước, thực hiện ăn chín, uống sôi bảo vệ sức khỏe.
Công ty CP cấp nước Điện Biên cần thực hiện nội kiểm và công khai thông tin về chất lượng nước sạch của đơn vị trên các phương tiện thông tin đại chúng; có kế hoạch đầu tư nâng cấp thiết bị công nghệ mới, nâng công suất của các nhà máy nước hiện có để mở rộng phạm vi phục vụ khách hàng (các xã huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ); có giải pháp bảo vệ khu vực đầu nguồn, hạn chế lá cao su rụng vào bể chứa nước thô của Nhà máy nước Điện Biên Phủ.
Nước sạch là một phần tất yếu của cuộc sống. Đã đến lúc cần quan tâm, kiểm soát bảo đảm an ninh nguồn nước, xây dựng chiến lược cung cấp nước sạch cho cư dân đô thị cũng như nông thôn nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.
 
Nhữ Văn Quảng, Trưởng ban VH-XH HĐND tỉnh
 


Tin liên quan
Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020
Hiệu quả tích cực trong công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc
Công tác khuyến học, khuyến tài tỉnh Điện Biên: Một nhiệm kỳ tích cực
HĐND TP. Điện Biên Phủ Phát huy vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa Phương
Khởi sắc một vùng biên
Năm Tý, tản mạn chuyện con Chuột
HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về triển khai thực hiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất
TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG VẺ VANG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TỈNH VỮNG MẠNH TOÀN DIỆN
Kinh nghiệm chỉ đạo nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên