Nghiên cứu - Trao đổi  

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020

Cập nhật ngày 03/02/2020 16:39:22 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Với tỷ lệ 89,23% đại biểu Quốc hội nhất trí tán thành, kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.


Theo đó, một số quy định về tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương được sửa đổi, bổ sung cụ thể như sau:
Thứ nhất, về số lượng đại biểu HĐND: Luật quy định, việc xác định tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh được thực hiện theo nguyên tắc sau đây: Tỉnh miền núi, vùng cao có từ năm trăm nghìn dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên năm trăm nghìn dân thì cứ thêm năm mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bảy mươi lăm đại biểu (Luật hiện hành quy định có trên năm trăm nghìn dân thì cứ thêm ba mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu); Tỉnh không thuộc trường hợp trên có từ một triệu dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên một triệu dân thì cứ thêm bảy mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu (Luật hiện hành quy định có trên một triệu dân thì cứ thêm năm mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá chín mươi lăm đại biểu). Đối với Thành phố trực thuộc trung ương có từ một triệu dân trở xuống được bầu năm mươi đại biểu; có trên một triệu dân thì cứ thêm sáu mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá tám mươi lăm đại biểu (Luật hiện hành quy định có trên một triệu dân thì cứ thêm năm mươi nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá chín mươi lăm đại biểu); Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh được bầu chín mươi lăm đại biểu (Luật hiện hành quy định một trăm linh năm đại biểu). Đối với HĐND huyện, huyện miền núi, vùng cao, hải đảo có từ bốn mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên bốn mươi nghìn dân thì cứ thêm bảy nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu (Luật hiện hành quy định có trên bốn mươi nghìn dân thì cứ thêm năm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu); Huyện không thuộc trường hợp trên có từ tám mươi nghìn dân trở xuống được bầu ba mươi đại biểu; có trên tám mươi nghìn dân thì cứ thêm mười lăm nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu (Luật hiện hành quy định có trên tám mươi nghìn dân thì cứ thêm mười nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu); Số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân ở huyện có từ ba mươi đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc trở lên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, nhưng tổng số không quá bốn mươi đại biểu (Luật hiện hành quy định không quá bốn mươi lăm đại biểu). Đối với HĐND xã, xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ hai nghìn dân trở xuống được bầu mười lăm đại biểu (Luật hiện hành quy định xã miền núi, vùng cao và hải đảo có từ một nghìn dân trở xuống được bầu mười lăm đại biểu; xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên một nghìn dân đến hai nghìn dân được bầu hai mươi đại biểu); Xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên hai nghìn dân đến dưới ba nghìn dân được bầu mười chín đại biểu; có từ ba nghìn dân đến bốn nghìn dân được bầu hai mươi mốt đại biểu; có trên bốn nghìn dân thì cứ thêm một nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu (Luật hiện hành quy định xã miền núi, vùng cao và hải đảo có trên hai nghìn dân đến ba nghìn dân được bầu hai mươi lăm đại biểu; có trên ba nghìn dân thì cứ thêm một nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu); Xã không thuộc trường hợp trên có từ năm nghìn dân trở xuống được bầu hai mươi lăm đại biểu; có trên năm nghìn dân thì cứ thêm hai nghìn năm trăm dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi đại biểu (Luật hiện hành quy định xã có từ bốn nghìn dân trở xuống được bầu hai mươi lăm đại biểu; có trên bốn nghìn dân thì cứ thêm hai nghìn dân được bầu thêm một đại biểu, nhưng tổng số không quá ba mươi lăm đại biểu).
Thứ hai, về số lượng Phó Chủ tịch HĐND: Luật quy định Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì có một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì có hai Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Thường trực Hội đồng nhân dân huyện gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân huyện. Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện có thể là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách; Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách. Thường trực Hội đồng nhân dân xã gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân và các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân xã. Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Thứ ba, về số lượng Phó Trưởng ban của HĐND: Luật quy định Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh gồm có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Số lượng Ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định. Trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách thì Ban có một Phó Trưởng ban; trường hợp Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động không chuyên trách thì Ban có hai Phó Trưởng ban. Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân tỉnh là đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách.
Như vậy, theo quy định của Luật thì lãnh đạo HĐND cấp tỉnh sẽ có 02 đại biểu hoạt động chuyên trách, trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu hoạt động chuyên trách thì bố trí 01 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Chủ tịch HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó Chủ tịch HĐND hoạt động chuyên trách. Đối với các Ban của HĐND tỉnh cũng tương tự, nếu Trưởng ban HĐND là đại biểu chuyên trách thì bố trí 01 Phó Trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách; trường hợp Trưởng ban HĐND là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm thì bố trí 02 Phó trưởng ban HĐND hoạt động chuyên trách. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với các quy định nêu trên, tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương không bị giảm đồng loạt số lượng cấp phó mà tùy thuộc vào việc bố trí đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách ở địa phương, trong bất kỳ trường hợp nào thì HĐND và Ban của HĐND cấp tỉnh vẫn được bố trí 02 vị trí lãnh đạo hoạt động chuyên trách. Hiện nay, hầu hết các địa phương đều bố trí chức danh Bí thư hoặc Phó Bí thư Tỉnh ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND. Vì vậy, quy định về số lượng cấp phó của HĐND, Ban của HĐND cấp tỉnh sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương trong việc bố trí cán bộ mà vẫn bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND và các Ban của HĐND. Trong trường hợp Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND cấp tỉnh hoạt động chuyên trách thì vẫn có thể giảm được cấp phó theo chủ trương của Trung ương. Đối với cấp huyện giảm một Phó Chủ tịch HĐND. Một điểm mới nữa là thành phần Thường trực HĐND cấp xã đã được mở rộng bổ sung thêm các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân xã.
Thứ tư, về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương: Luật quy định Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp huyện có cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, biên chế của cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; quy định việc tổ chức công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thứ năm, về số Phó Chủ tịch UBND cấp xã: Luật quy định Ủy ban nhân dân cấp xã loại I, loại II có không quá hai Phó Chủ tịch; loại III có một Phó Chủ tịch (Luật hiện hành quy định cấp xã loại I có không quá hai Phó Chủ tịch; loại II, loại III có một Phó Chủ tịch).
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Nhưng đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu HĐND các cấp, cơ cấu Thường trực HĐND cấp tỉnh, số lượng cấp phó tại HĐND và UBND được áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026.
 
Nguyễn Tiến Thành, Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh
 


Tin liên quan
Hiệu quả tích cực trong công tác tham mưu, giúp việc, phục vụ tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh của công dân
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc
Công tác khuyến học, khuyến tài tỉnh Điện Biên: Một nhiệm kỳ tích cực
HĐND TP. Điện Biên Phủ Phát huy vai trò cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa Phương
Khởi sắc một vùng biên
Năm Tý, tản mạn chuyện con Chuột
HĐND tỉnh giám sát chuyên đề về triển khai thực hiện quy định về đấu giá quyền sử dụng đất
TIẾP NỐI TRUYỀN THỐNG VẺ VANG XÂY DỰNG ĐẢNG BỘ TỈNH VỮNG MẠNH TOÀN DIỆN
Kinh nghiệm chỉ đạo nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên
CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC THAM MƯU, GIÚP VIỆC, PHỤC VỤ CỦA VĂN PHÒNG HĐND TỈNH ĐIỆN BIÊN SAU 3 NĂM NHÌN LẠI