Trên cơ sở chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc đã tham mưu cho UBND các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, quy hoạch, kế hoạch, chính sách đặc thù thuộc vùng dân tộc thiểu số; các chương trình, dự án, đề án phát triển vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Từ năm 2015 đến nay, UBND các cấp ban hành hơn 200 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các chủ trương như Quyết định số 280/QĐ-UBND ngày 24/4/2014 về triển khai Chương trình hành động thực hiện chiến lược công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên đến năm 2020; Quyết định số 437/QĐ-UBND ngày 18/5/2017 Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Tiểu dự án Nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở thuộc Chương trình 135 trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định số 33/2018/QĐ-UBND ngày 21/8/2018; Quyết định 1250/QĐ-UBND ngày 28/12/2018 về triển khai Đề án thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 tỉnh Điện Biên theo Quyết định 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 22/3/2019 về triển khai Đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Si La giai đoạn 2018-2025 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ; ....
Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý… thuộc lĩnh vực công tác dân tộc được cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện phối hợp với các cơ quan, đoàn thể có liên quan triển khai thực hiện dưới nhiều hình thức, mang lại hiệu quả tích cực trong nhân dân, qua đó nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện chính sách, pháp luật, góp phần tháo gỡ vướng mắc pháp luật cho người dân ngay tại cơ sở. Công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo và tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách, chương trình, dự án tại vùng dân tộc thiểu số được quan tâm triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật. Công tác tổ chức, rà soát, bình chọn, tham mưu ra quyết định công nhận người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm được thực hiện đúng quy trình, đảm bảo công khai minh bạch, đúng đối tượng và đúng chế độ; hoạt động thăm hỏi, động viên, thực hiện chế độ đối với người có uy tín đầy đủ, đảm bảo theo quy định; đến nay, toàn tỉnh có 8.950 lượt người có uy tín được UBND tỉnh ra quyết định công nhận.
Các đại biểu trao đổi tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ III năm 2019, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên
Việc tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, dự án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số vùng kinh tế đặc biệt khó khăn được triển khai thực hiện kịp thời, cơ bản đạt hiệu quả, giúp người dân ổn định đời sống sinh hoạt, đẩy mạnh sản xuất, bộ mặt nông thôn vùng dân tộc ngày càng khởi sắc; đồng bào đã tích cực tiếp thu, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi và chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao năng suất và sản lượng, xóa đói giảm nghèo (đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 37,08%, hộ nghèo dân tộc thiểu số còn 46,28 % theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều), củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, niềm tin của nhân dân với Đảng được nâng lên, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn như Chương trình 135: thực hiện 758.220 triệu đồng/833.209 triệu đồng kế hoạch giao, đạt 91% kế hoạch; Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở vùng khó khăn là 101.717 triệu đồng; Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt Chương trình 135: thực hiện 758.220 triệu đồng/833.209 triệu đồng kế hoạch giao, đạt 91% kế hoạch; Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo ở vùng khó khăn là 101.717 triệu đồng; Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn là 68.934 triệu đồng; Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên” theo Quyết định số 1672/QĐ-TTg ngày 26/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ là 102.402 triệu đồng… Công tác phối hợp trong việc tuyển dụng, bố trí cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số làm việc tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh nói chung, tại các cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc nói riêng được quan tâm thực hiện đảm bảo tỷ lệ theo quy định, cơ bản đảm bảo chất lượng theo yêu cầu; tính đến 31/12/2018, toàn tỉnh có 10.999/26.194 cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 41,99%. Việc bố trí công chức tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác dân tộc trên địa bàn cơ bản được UBND cấp huyện thực hiện theo quy định. Hoạt động phối hợp bảo tồn, khôi phục, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số được chú trọng và thực hiện dưới nhiều hình thức; nhiều lễ hội dân gian được phục dựng; nhiều Chương trình, dự án đã và đang được triển khai nhằm phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hạn chế, yếu kém đó là:
Việc tham mưu ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc, các nội dung của chương trình, dự án, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số đôi khi còn chậm; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện tại cơ sở của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc còn hạn chế. Chưa ban hành quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc cấp tỉnh, huyện phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh và Thông tư hướng dẫn của liên Bộ; một số huyện bố trí công chức làm công tác dân tộc còn bất cập, chưa ổn định, biên chế phòng Dân tộc còn thiếu so với quy định, việc phân công công chức theo dõi, tổ chức thực hiện công tác dân tộc tại một số xã chưa được chú trọng. Công tác phối hợp với các cơ quan có liên quan trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ chưa chặt chẽ, trong tham mưu đôi khi thiếu chủ động. Công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc hiệu quả chưa cao. Một bộ phận không nhỏ người dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa còn thiếu hiểu biết pháp luật, chính sách dân tộc nên nhiều tập quán lạc hậu và tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại. Công tác tập huấn cho người có uy tín và hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thuộc lĩnh vực công tác dân tộc các cấp chưa được quan tâm đúng mức. Công tác phối hợp tham mưu trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số chưa đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Công tác dân tộc chưa kết hợp chặt chẽ với công tác tôn giáo tín ngưỡng; vấn đề tôn giáo ở một số vùng dân tộc thiểu số vẫn còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết các dân tộc.
Để khắc phục các hạn chế trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền cần tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, Thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 07/2014/TTLT-UBDT-BNV, ngày 22/12/2014 của Ủy ban Dân tộc và Bộ Nội vụ về “Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện”; tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức làm công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc. Bố trí kinh phí mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho công chức làm công tác dân tộc tại cơ sở; bố trí, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số.
Hai là, Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động đồng bào tích cực thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặt biệt Luật Hôn nhân và gia đình, không tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ 3; tăng cường đối thoại, phản bác các luận điệu của các thế lực thù địch xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước. Tích cực, chủ động xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc. Giảm chính sách bao cấp, hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình sang chính sách đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và hỗ trợ nhóm hộ, cộng đồng thôn, bản để đồng bào có ý thức tự lực tự cường, phấn đấu vươn lên thoát nghèo, nhanh chóng hội nhập với sự phát triển chung của Đất nước.
Ba là, Tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên trong tuyển dụng con em các dân tộc thiểu số sau khi hoàn thành chương trình học tập, đào tạo tại các trường chuyên nghiệp. Quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách đối với người có uy tín trong cộng đồng dân cư.
Nguyễn Dung