Đã gần ba tháng trôi qua kể từ ngày Chà Nưa tổ chức trọng thể Lễ đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), hôm nay tôi mới có dịp gặp lại Bí thư Đảng ủy xã Khoàng Văn Van, khi anh vừa kết thúc buổi họp cuối năm. Vui mừng “khoe” về thành tựu NTM của Chà Nưa, Bí thư Khoàng Văn Van còn điểm qua vài con số để chúng tôi dễ hình dung về thành quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Chà Nưa đạt được trong năm qua. Hiện nay 100% số bản trong xã thành lập được chi bộ, với tổng số 220 đảng viên; nhân dân các dân tộc đoàn kết, yên tâm sinh sống, không di cư tự do, không tham gia các hoạt động đạo trái pháp luật. Qua thực hiện chương trình xây dựng NTM, người dân Chà Nưa đã góp công, góp của trị giá hàng chục tỷ đồng để thực hiện các dự án cải tạo, nâng cấp đường liên bản; dự án trồng cây hoa ban ven trục quốc lộ 4H qua trung tâm xã và đường về các bản mà bà con vẫn gọi đó là “dự án 0 đồng” làm thay đổi diện mạo xã vùng biên. Cùng với đó, người dân trong xã chủ động áp dụng mô hình mới vào trồng trọt, chăn nuôi để tăng năng suất, sản lượng cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao nên hiện tỷ lệ hộ nghèo toàn xã chỉ còn dưới 11%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 22 triệu đồng/người/năm. Thành quả đó là niềm tự hào không chỉ với riêng Chà Nưa mà là niềm tự hào chung của nhân dân các dân tộc huyện Nậm Pồ, bởi nhờ có Chà Nưa nên tới đây người dân Nậm Pồ có thêm kinh nghiệm vận dụng xây dựng NTM.
Thiếu nữ Dân tộc Hà Nhì ở Sín Thầu vui tết truyền thống.
Ảnh: Bích Hạnh
Cũng từ kinh nghiệm ấy nên năm 2020 này, Đảng bộ, chính quyền xã Chà Nưa sẽ phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân, lập thành tích chào mừng đại hội Đảng các cấp để tiến tới trở thành xã NTM kiểu mẫu trong thời gian sớm nhất như giai đoạn trước Chà Nưa đã nỗ lực về đích NTM sớm hai năm so với kế hoạch. Ngoài sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, cấp ủy, chính quyền tỉnh Điện Biên, cán bộ, nhân dân Chà Nưa còn tự tin bởi họ có kinh nghiệm và tình đoàn kết gắn bó mật thiết giữa bốn dân tộc: Thái, Mông, Kinh và Mường. Như lời ông Tao Văn Vin, người có uy tín ở bản Cấu, xã Chà Nưa đã nói: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng, người Chà Nưa không phân biệt dân tộc Thái với dân tộc Mường hay dân tộc Mông… Ở gần nhau, gắn bó với nhau, bà con các dân tộc Chà Nưa luôn động viên nhau thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; dạy bảo con cháu tích cực thi đua lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình và góp sức xây dựng mảnh đất Chà Nưa ngày càng giàu đẹp”.
Tạm biệt Chà Nưa tiếp tục hành trình về biên giới, chúng tôi đến xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) khi mặt trời “dừng bước” phía đằng Tây. Đón khách xa như đón người thân trở về nhà, Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu - Pờ Mý Lế và ông Pờ Dần Sinh, người điển hình tiên tiến trong cộng đồng dân tộc Hà Nhì ở Sín Thầu dành cho chúng tôi nụ cười hồn hậu và những cái ôm thật chặt đủ để xua tan sương sớm nơi này. Đêm hôm ấy, trong căn nhà của ông Pờ Dần Sinh chúng tôi được nghe kể nhiều hơn về sự kiên tâm, sức bền bỉ và niềm tin mãnh liệt hun đúc nên cốt cách đồng bào dân tộc Hà Nhì ở cực Tây Tổ quốc. Mấy mươi năm qua, cuộc sống dù gian khó vì cách trở, vì thiên tai hay địch họa thì ở nơi này người Hà Nhì vẫn bám trụ vươn lên. Trong ký ức chưa xa, ông Pờ Dần Sinh và người Hà Nhì vẫn nhớ “bão” ma túy tràn về quãng những năm 1990 làm kiệt quệ các gia đình, xơ xác các bản người Hà Nhì, làm đôi mắt người Hà Nhì nhìn ai cũng… thấy xấu. Bởi sểnh nhà ra là mất cắp, khi con gà, khi con lợn, thậm chí cả trâu, bò thả trên nương. Nhưng nay khác rồi! Sín Thầu đã trở thành xã đầu tiên của huyện biên giới Mường Nhé được công nhận đạt chuẩn NTM từ cuối năm 2018, nhiều năm liền Sín Thầu còn được mệnh danh xã “bốn không” tiêu biểu ở vùng biên: Xã duy nhất trong huyện không có người nghiện ma túy, không có tình trạng phá rừng, không di dịch cư tự do và không có truyền đạo trái pháp luật. Về Sín Thầu hôm nay, đi khắp các bản của người Hà Nhì đều được nghe lời trầm trồ, thán phục và tự hào của bà con khi kể về những điển hình làm kinh tế trong cộng đồng dân tộc họ, như là ông Pờ Dần Sinh, ông Sừng Sừng Khai… hay các trụ cột của bản làng trên biên giới như ông: Lỳ Xuyến Phù, Sừng Phà Sàng… luôn đồng hành cùng bộ đội biên phòng trong những chuyến tuần tra đường biên cột mốc và thường xuyên chỉ bảo con cháu những điều hay lẽ phải để người Hà Nhì hiểu hơn, yêu hơn cuộc sống bình yên miền biên viễn!
Đánh giá cao nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các xã biên giới trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đồng chí Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (phụ trách chương trình), còn khẳng định: Thành quả các xã, như: Sín Thầu (huyện Mường Nhé), Chà Nưa (huyện Nậm Pồ), Thanh Chăn, Thanh Hưng, Pa Thơm (huyện Điện Biên) đạt được trong chương trình xây dựng NTM còn là “cẩm nang vàng” để các xã vùng cao, biên giới của tỉnh Điện Biên học tập làm theo. Ngoài sự đầu tư từ các chương trình, dự án, mỗi người dân trên biên giới sẽ tự tin hơn khi quyết tâm xây dựng NTM bằng nội lực, bằng sự chủ động, tích cực của mỗi người.
Bích Hạnh