Theo quan niệm dân gian thì người tuổi Tý có sức sống bền bỉ, thông minh, lanh lợi, gan dạ và cuộc đời hậu vận thong thả giàu sang do biết tích lũy. Nam giới tuổi Tý sẽ là người rất mạnh mẽ, khéo léo, có khả năng thích ứng nhanh với môi trường mới, thông minh, sáng tạo và là bậc thầy trong việc tận dụng, tranh thủ các cơ hội một cách khôn ngoan nhất. Trong khi đó, nữ giới tuổi Tý là những người phụ nữ theo tuýp truyền thống, coi trọng giá trị gia đình, sống đầy tình cảm.
Chuột là con vật gây hại cho con người, trung gian truyền dịch hạch, thông qua bọ chét ký sinh. Ngoài ra, chuột còn có cái tội hay đục khoét, gặm nhấm. Cũng tại trời sinh ra thế, răng loài gậm nhấm dài ra từng ngày, phải được bào mòn liên tục. Chuột có biệt tài nhớ đường, thuộc địa hình, để chạy trốn và thoát chết dễ dàng khi bị săn đuổi. Từ bao đời nay, chuột đã trở thành con vật gắn liền với đời sống người dân. Cho dù ghét nó, chuột vẫn hiện hữu quanh ta.
Với nhiều thế hệ người Việt hình ảnh Chuột đã quen thuộc qua dòng tranh dân gian Đông Hồ, xưa kia tranh dân gian Đông Hồ được treo trang trọng trong các gia đình vào dịp Tết đến xuân về, bởi đề tài trong tranh, cũng như nét văn hóa truyền thống của người Việt phản ánh khá chân thực, sinh động và đậm chất cuộc sống mộc mạc, giản dị. Bức tranh “Đám cưới chuột” là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của dòng tranh dân gian này: Bức tranh được chia làm hai phần với 12 con chuột và một con mèo. Tầng trên là cảnh chuột dâng lễ cho mèo, con đi đầu hai tay dâng lên một con chim, cong người, đuôi gập lại trông vẻ sợ sệt. Con thứ hai xách một con cá đang tiến theo sau, mắt nhìn con mèo vẻ khép nép sợ sệt không kém gì con đầu. Hai con đi cuối thổi kèn nhưng ở tư thế đề phòng bất trắc. Tầng dưới là cảnh đón dâu với tám con chuột. Dẫn đầu là con chuột đực, đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc áo thụng xanh, chân đi hia, ngồi trên lưng con ngựa hồng, quay nhìn về sau vẻ mặt vênh lên tự đắc vì đỗ tiến sĩ vinh qui lại được cưới vợ đẹp. Theo hầu phía sau là một con chuột đen cầm lọng và một con chuột khoang nửa đen nửa trắng cầm biển đề hai chữ “nghinh hôn”, hai con đi sau thì quay nhìn lại phía sau trông chừng xem ông mèo có đuổi theo sau không. Cô dâu chuột ngồi trong kiệu cũng vấn khăn, mặc áo gấm xanh nhìn chồng đang cưỡi ngựa đi phía trước vẻ tự hào mãn nguyện. Trong bức tranh hình ảnh nổi bật nhất là Con mèo ở góc tầng trên, rất to, oai vệ đang đưa tay ra nhận lễ vật.
Một bức tranh vừa hài hước vừa châm biếm sâu xa. Hài hước ở chỗ, chuột nào lại có chuột đi rước dâu, lấy vợ; nghệ nhân dân gian đã thổi hồn vào bức tranh, nhân hóa con chuột để nó mang dáng dấp con người. Châm biếm ở chỗ chú rể chuột muốn đón dâu phải mang chim, mang cá đến cống cho mèo. Trên bức tranh có hai chữ Nghinh hôn chỉ đám cưới. Con mèo trong bức tranh đại diện cho tầng lớp thống trị xưa. Còn con chuột là hình ảnh của những người nông dân trong xã hội cũ. Bức tranh không có chú thích gì nhưng nhìn vào ai cũng nhận thấy ẩn ý của nghệ nhân dân gian. Chuột ranh ma, tinh quái, đa nghi luôn cảnh giác với loại mèo, kẻ thù không đội trời chung, lại hóm hỉnh châm biếm mèo tham của hối lộ mà quên nhiệm vụ là diệt chuột.
Người dân quê Việt Nam xưa sống trong xã hội phong kiến không dám công khai công kích, phản kháng lại bọn quan tham nhũng, ức hiếp dân lành, nên đã mượn bức tranh chuột cưới vợ để gián tiếp lên án bọn quan tham và bày tỏ thái độ của mình. Bức tranh có cả biển, lọng, cân đai, áo, mão, ngựa hồng, kiệu hoa, kèn trống thật linh đình. Nhưng để có được cảnh vui vẻ đó, họ hàng nhà chuột phải đút lót cho mèo. Bức tranh còn một màu sắc khác, màu sắc mang tính triết học mà giản dị của sự cộng sinh và chính điều này tạo nên những giá trị tư tưởng mang đậm văn hóa Việt.
Chính vì ý nghĩa đó nên Tranh dân gian Đông Hồ - Đám cưới chuột thường được để trong nhà như một lời cảnh báo, nhắc nhở và răn dạy người sống sao cho phải đạo, nó cũng là lời nhắc nhở động viên đầy tính nhân văn, hiện thực và giàu tính chiến đấu, nó cũng là lời răn dạy cho các thế hệ trẻ trong gia đình biết đối nhân xử thế, lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc, nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam.
Những năm Tý lịch sử:
- Năm Canh Tý (40): Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đền nợ nước, trả thù nhà, đánh đuổi thái thú Tô Định chạy về Nam Hải.
- Năm Giáp Tý (544): Lý Bôn lên ngôi hoàng đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là Thiên Đức.
- Năm Nhâm Tý (1252): Vua Chiêm đem quân sang quấy nhiễu vùng biển nước ta. Vua Trần Thái Tông ngự giá thân chinh dẹp yên bờ cõi.
- Năm Mậu Tý (1228): Quân ta đại thắng trên sông Bạch Đằng, bắt sống tướng nhà Nguyên là Ô Mã Nhi, làm sụp đổ giấc mộng xâm lăng của chúng.
- Năm Mậu Tý (1648): Hai họ Trịnh - Nguyễn đánh nhau, quân Trịnh đại bại.
- Năm Nhâm Tý (1792): Vua Quang Trung băng hà, con là Quang Toản lên ngôi lấy hiệu là Cảnh Thịnh.
- Năm Canh Tý (1840): Vua Minh Mạng qua đời.
- Năm Mậu Tý (1888): vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt và đày sang Algerie. Cũng năm đó, vua Đồng Khánh mất, triều thần đưa vua Thành Thái lên ngôi, cũng là một ông vua yêu nước và chống Pháp.
- Năm Nhâm Tý (1912): Việt Nam quang phục hội được thành lập với tôn chỉ đánh đổ thực dân Pháp, khôi phục nước Việt Nam.
- Năm Giáp Tý (1924): Phạm Hồng Thái mưu sát viên toàn quyền Pháp là Méc - lanh ở Sa Điện - Quảng Châu (Trung Quốc)
- Năm Bính Tý (1936): Hội nghị Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp vào tháng 7, quyết định thành lập “Mặt trận dân tộc” rộng rãi chống đế quốc.
- Năm Canh Tý (1960): Phong trào Đồng Khởi bắt đầu từ Bến Tre lan rộng khắp miền Nam. Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với chính sách độc lập - dân chủ - hòa bình - trung lập, lãnh đạo nhân dân miền Nam chống lại chế độ Mỹ Diệm, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà.
- Năm Nhâm Tý (1972): quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam, đập tan tuyến phòng ngự của địch ở Quảng Trị, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, giải phóng hoàn toàn tỉnh Quảng Trị và nhiều nơi khác. Cuối năm đó, trận Điện Biên Phủ trên không đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội trong 12 ngày đêm, buộc chúng phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Đông Dương.
- Năm Giáp Tý (1984): ngày 26-5-1984, ngọn lửa dầu công nghiệp đầu tiên bùng cháy trên vùng biển phía Đông Nam Tổ quốc, khởi đầu cho sự nghiệp phát triển của ngành dầu khí Việt Nam.
- Năm Bính Tý (1996): Năm mở đầu cho kế hoạch 5 năm cuối cùng của thế kỷ 20 đối với đất nước Việt Nam trên đà đổi mới, đặc biệt mở đầu thời kỳ phát triển mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Năm Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII, sự kiện quan trọng trong đời sống chính trị của toàn dân, Đại hội đã quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước
ST: Lê Hùng