Để khắc phục những khó khăn trên, nhằm nâng cao chất lượng thẩm tra của các Ban HĐND về các nội dung trình tại các kỳ họp HĐND tỉnh, trên cơ sở nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của các Ban HĐND, trong thời gian qua Thường trực HĐND tỉnh Điện Biên đã triển khai, chỉ đạo thực hiện một số nội dung sau:
Một là, cuối năm trước, TT HĐND chỉ đạo Văn phòng tham mưu xây dựng Kế hoạch tổ chức kỳ họp Thường lệ năm sau, với nội dung cụ thể, rõ ràng, sát với tình hình thực tế của địa phương trình HĐND tỉnh thông qua để làm căn cứ chỉ đạo các Ban HĐND tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ, xác định nội dung phải thẩm tra của Ban tại các kỳ họp thường lệ. Đồng thời, tổ chức thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:
- Đối với các báo cáo, Dự thảo nghị quyết thường kỳ trình HĐND tại các kỳ họp thường lệ: Tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; nhiệm vụ thu, chi ngân sách; phân bổ dự toán ngân sách; Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng; việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; việc tiếp công dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo; Báo cáo công tác của Ủy ban nhân dân, Tòa án nhân dân,Viện kiểm sát nhân dân, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh…, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của từng Ban, Thường trực HĐND chỉ đạo các Ban chủ động tổ chức giám sát, khảo sát, nắm thông tin phục vụ cho công tác thẩm tra.
- Đối với các Nghị quyết quy phạm pháp luật, Thường trực HĐND tỉnh ban hành văn bản lưu ý các chủ thể đề nghị xây dựng nghị quyết về thời gian gửi đề nghị xây dựng nghị quyết đến Thường trực HĐND tỉnh (chậm nhất vào đầu tháng 4 - để trình tại kỳ họp giữa năm; đầu tháng 9 - để trình tại kỳ họp cuối năm). Đồng thời, phân công Ban chịu trách nhiệm thẩm tra khi chấp thuận đề nghị xây dựng Nghị quyết, nhằm tạo điều kiện để các Ban chủ động tham gia từ đầu cùng cơ quan soạn thảo.
Đ/c Lê Hoài Nam, đại biểu HĐND tỉnh Tổ đại biểu huyện Tuần Giáo, phát biểu tại phiên thảo luận Tổ. Ảnh HL
Hai là, đối với các vấn đề lớn, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực, có tác động và ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội..., Thường trực HĐND tỉnh phân công Ban chủ trì thẩm tra và Ban phối hợp thẩm tra, qua phối hợp theo chuyên môn, các Ban phân tích được đầy đủ các khía cạnh, nội dung của văn bản trình HĐND, đảm bảo các quy định của pháp luật, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương và có tính khả thi.
Ba là, khi tổ chức lấy ý kiến các ngành, các cấp và đối tượng tác động, các cơ quan soạn thảo văn bản gửi lấy ý kiến các Ban HĐND theo chức năng, nhiệm vụ, nhằm đảm đảm bảo sự thống nhất, thông suốt, giảm thời gian thẩm tra. Đối với các văn bản do Sở Tư pháp xây dựng Dự thảo các Ban HĐND tỉnh tham gia, phối hợp thẩm định văn bản.
Thứ tư, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh mời các Ban của HĐND tỉnh tham dự các phiên họp của UBND tỉnh khi có nội dung liên quan và cùng với việc gửi văn bản xin ý kiến, chủ trương của cơ quan có thẩm quyền, UBND tỉnh gửi các văn bản đó đến các Ban HĐND tỉnh để các Ban tiếp cận, nghiên cứu phục vụ cho công tác thẩm tra.
Thứ năm, các cuộc họp thẩm tra của Ban đều có Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch HĐND tỉnh tham dự và đề nghị UBND tỉnh cử lãnh đạo tham dự để cho ý kiến chỉ đạo ngay tại buổi họp thẩm tra và thuyết minh, giải trình những vấn đề chưa rõ ràng, chưa thống nhất, chưa phù hợp và tính khả thi trong đề án, dự thảo Nghị quyết.
Qua triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ trên, công tác thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh Điện Biên đến nay đã đi vào nền nếp, hiệu quả, chất lượng thẩm tra ngày càng được nâng cao, các báo cáo thẩm tra đã được đa số Đại biểu HĐND tán thành, được UBND tỉnh, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý đầy đủ, qua đó góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp, các quyết nghị được thông qua cũng như nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND tỉnh. Để tiếp tục nâng cao chất lượng thẩm tra các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết trình tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân, trong thời gian tới tiếp tục thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Đảng đoàn HĐND, Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên quan tâm, định hướng, chỉ đạo các Ban trong thực hiện nhiệm vụ giám sát, khảo sát, nắm thông tin phục vụ cho công tác thẩm tra. Xác định đúng vai trò, tầm quan trọng của hoạt động thẩm tra, coi đây là một hình thức giám sát quan trọng của kỳ họp, phản ánh kết quả giám sát thường xuyên của các Ban HĐND tỉnh.
Phát huy vai trò trách nhiệm của thành viên các Ban HĐND, đặc biệt là các thành viên hoạt động chuyên trách trước cử tri, đi sâu tìm hiểu, nắm bắt đến tận cùng vấn đề, nhất là vấn đề có ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân, từ đó phản ánh trong báo cáo thẩm tra trình tại kỳ họp, thể hiện rõ quan điểm, không né tránh, không xuôi chiều đối với các vấn đề không đúng, chưa hợp lý…
Nâng cao trách nhiệm, năng lực trong nghiên cứu các quy định pháp luật của thành viên các Ban; tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động giám sát, khảo sát của các Ban HĐND, qua đó phản ánh đầy đủ, đúng vấn đề để đưa vào báo cáo thẩm tra, nhất là các vấn đề cử tri và nhân dân đang quan tâm, những vướng mắc, hạn chế do công tác quản lý nhà nước.
Thực hiện việc thẩm tra đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc tổ chức họp thẩm tra theo quy định của Luật là yếu tố bắt buộc để các cơ quan có nội dung được thẩm tra phải chuẩn bị kỹ lưỡng, gửi văn bản để thẩm tra đúng thời gian quy định; khắc phục tình trạng chậm gửi văn bản trình kỳ họp, Báo cáo thẩm tra phải chỉnh sửa theo văn bản chính thức trình kỳ họp (do có sự thay đổi của văn bản chính thức trình kỳ họp so với văn bản gửi trước để thẩm tra).
Tổ chức thực hiện tốt công tác giám sát, khảo sát của các Ban HĐND tỉnh. Qua giám sát, khảo sát các Ban có cơ sở để phân tích, phản biện các nội dung được phân công thẩm tra, nhằm tạo sự đồng thuận trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định; phối hợp thực hiện tốt việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo nghị quyết, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao khi trình HĐND thông qua./.
Lê Trọng Khôi
Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh