Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Tại phiên họp thứ 33, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về việc giảm 01 Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND huyện, Phó Trưởng ban HĐND để giảm số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ đánh giá tác động của quy định tăng thêm Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, huyện, Phó Trưởng ban HĐND. Đồng thời cân nhắc sửa đổi về tổ chức chính quyền địa phương khi luật Tổ chức chính quyền địa phương mới thực hiện được hơn nửa nhiệm kỳ.
Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương nêu rõ: Nghiên cứu, thực hiện giảm hợp lý số lượng đại biểu HĐND các cấp và giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước; không yêu cầu phải giảm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Tuy nhiên, Bộ Nội vụ lại cho rằng Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định số lượng Phó Trưởng các Ban HĐND cấp tỉnh, cấp huyện hoạt động chuyên trách đã làm tăng biên chế của chính quyền địa phương trong bối cảnh cả nước thực hiện Nghị quyết của Trung ương về tinh giản biên chế. Vấn đề đặt ra là giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp hay giảm đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách?.
Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định 02 Phó Chủ tịch HĐND, thực chất biên chế không tăng thêm so với Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003. Chức danh Ủy viên Thường trực HĐND các địa phương phản ánh là “chơi vơi” không rõ thẩm quyền theo quy định của luật cũ được nâng lên thành Phó Chủ tịch, đồng thời Luật cũng bổ sung rất nhiều chức năng, nhiệm vụ cho HĐND, Thường trực HĐND. Bên cạnh đó, chức danh Chủ tịch HĐND cấp tỉnh, cấp huyện do đồng chí Bí thư cấp ủy hoặc Phó bí thư thường trực kiêm nhiệm. Do đó cần thiết phải giữ nguyên 02 Phó Chủ tịch HĐND như hiện nay mới bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định các Ban HĐND là cơ quan của HĐND, điều đó khẳng định rõ địa vị pháp lý và tạo điều kiện về con người hoạt động chuyên trách (Trưởng ban có thể hoạt động chuyên trách và 02 Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách), nay nếu quy định còn 01 Phó Trưởng ban chuyên trách thì lại quay về quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, 01 Phó Trưởng ban chuyên trách biết xoay sở thế nào khi mà nhiệm vụ là thẩm tra các dự thảo nghị quyết, báo cáo, đề án trước khi trình HĐND, là hoạt động giám sát những vấn đề Ban phụ trách, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri... khối lượng công việc rất lớn, thực chất chủ yếu vẫn do đại biểu chuyên trách đảm nhiệm.
Nhiệm kỳ 2011-2016, Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên thực hiện mỗi Ban 01 đại biểu hoạt động chuyên trách; với 04 ban, trong đó 02 Trưởng ban và 02 Phó Trưởng ban. Thực hiện Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, nhiệm kỳ 2016-2021 các Ban của HĐND được bố trí 03 Trưởng ban, 07 Phó trưởng ban chuyên trách, tăng 06 đại biểu hoạt động chuyên trách là lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân. Từ đó hoạt động của HĐND nhiệm kỳ này đã đi vào thực chất hơn, chuyên sâu, tính chuyên nghiệp được nâng lên, hiệu lực hiệu quả rõ nét hơn, từng bước đã khắc phục được tính hình thức trong hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương.
Những đề xuất của cơ quan soạn thảo có thể ít, nhiều làm đảo lộn tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương nhưng lại không dựa trên cơ sở, nguyên tắc, nguyên lý nào cả. Nếu dựa vào Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế thì lại đi chệch hướng tinh thần của Nghị quyết (giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, giảm đại biểu HĐND công tác ở các cơ quan quản lý nhà nước) chứ không phải giảm 01 Phó Chủ tịch, 01 Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND. Cơ quan soạn thảo cũng không chứng minh được nếu giảm số lượng Phó Chủ tịch, giảm Phó Trưởng Ban chuyên trách của HĐND thì quản lý nhà nước có hiệu quả hơn không, có được giám sát chặt chẽ hơn không.
Ở đâu có quyền lực ở đó phải có giám sát việc tổ chức thực hiện quyền lực. Hoạt động giám sát của HĐND cũng chính là việc giám sát của người dân đối với cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước. Thiết nghĩ để tinh gọn thì cần giảm số lượng đại biểu HĐND các cấp, thay đổi cơ cấu đại biểu đi đôi với tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách, trong đó 02 Phó Chủ tịch, Trưởng, phó các Ban đều phải hoạt động chuyên trách, riêng Chủ tịch HĐND kiêm nhiệm là cần thiết./.
Nhữ Văn Quảng
Ủy viên Thường trực, Trưởng ban VH - XH HĐND tỉnh