Nghiên cứu - Trao đổi  

HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH VÀ KẾT QUẢ KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHÓA XIV

Cập nhật ngày 24/07/2019 16:21:41 PM - Lượt xem: 256

HĐND - Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2019 - năm thứ tư của nhiệm kỳ, năm khởi đầu của quá trình chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng. Tại kỳ họp này, theo thông lệ của chương trình nghị sự kỳ họp giữa năm, Quốc hội chủ yếu tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật. Sau 20 ngày làm việc với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, trí tuệ. Quốc hội đã hoàn thành chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7 với nhiều nội dung quan trọng, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri. Các vị đại biểu Quốc hội đã dành nhiều thời gian nghiên cứu tài liệu, đóng góp ý kiến chất lượng, sâu sắc, toàn diện, tích cực tranh luận, thể hiện rõ vai trò của đại biểu Quốc hội trước Nhân dân. Quốc hội tiếp tục có những đổi mới, nhất là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ họp, nhờ đó giảm đi nhiều văn bản, tài liệu giấy so với các kỳ họp trước; chương trình làm việc được bố trí hợp lý, có sự điều chỉnh linh hoạt, bảo đảm đúng nguyên tắc; không khí làm việc dân chủ, trách nhiệm, xây dựng.


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên có 06 đại biểu tham dự kỳ họp, đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri và nhân dân trong suốt thời gian tham dự kỳ họp. Đại biểu Quốc hội tỉnh đã có hơn 30 lượt phát biểu tại các phiên họp toàn thể ở Hội trường và phiên thảo luận tại Tổ. Các ý kiến tham gia thảo luận thẳng thắn, kịp thời phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Cùng với Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, thực hiện chức năng giám sát tối cao và công tác lập pháp, góp phần vào kết quả kỳ họp Quốc hội.

Trước đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã tích cực với nhiều hoạt động để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Hoạt động xây dựng pháp luật, tổ chức lấy ý kiến tham gia của các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh vào các dự thảo luật trình Quốc hội; tổ chức các cuộc giám sát chuyên đề như: “Việc thực hiện chính sách về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2014-2018”; “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”; Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2012-2018”; thực hiện nhiều cuộc khảo sát, nội dung tập trung các vấn đề: “Tình hình kết quả thực hiện Luật Thanh niên năm 2005”; “tình hình việc thi hành Pháp lệnh Thư viện”; “Tình hình xây dựng và phát triển khu kinh tế cửa khẩu”; tổ chức tiếp xúc cử tri với nhiều hình thức như tiếp xúc cử tri thường kỳ trước kỳ họp, tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, đối tượng tại các huyện, thị xã, thành phố, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, cũng như ý kiến, kiến nghị của cử tri; lấy ý kiến của cử tri tham gia vào các dự thảo Luật trình kỳ họp; để kịp thời gửi đến kỳ họp thứ 7, đến Quốc hội, Chính phủ những ý kiến, kiến nghị, tâm tư nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Công tác lập pháp được xác định là một nội dung trọng tâm của kỳ họp. Tại kỳ họp này Quốc hội đã dành phần lớn thời gian để thảo luận, xem xét, thông qua 7 dự án luật, 10 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Tham gia thảo luận tại các phiên họp, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có 20 ý kiến góp phần bổ sung, điều chỉnh và hoàn thiện các dự án luật, nghị quyết, kiến nghị với Quốc hội xem xét, cân nhắc. Tại kỳ họp này Quốc hội đã thông qua 07 dự án Luật, trong đó đáng chú ý là Quốc hội đã ban hành hai đạo luật mới gồm Luật kiến trúc và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, đứng trước tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Quy định này mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông, tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc kiềm chế các vụ tai nạn giao thông; còn lại 05 dự án luật sửa đổi gồm Luật Giáo dục, Luật Quản lý thuế, Luật Đầu tư công, Luật Thi hành án hình sự; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ. Việc ban hành các đạo Luât này, nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Đồng thời đây là những cơ sở pháp lý quan trọng để giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân. 

Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng để thảo luận xem xét, đánh giá báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách; xem xét việc phân bổ dự phòng chung vốn ngân sách trung ương trong nước còn lại của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự phòng 10% tại Bộ, ngành, địa phương; một số nội dung liên quan đến việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Tại diễn đàn này, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cũng đã chuyển kiến nghị của cử tri rất mong được Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành Trung ương “quan tâm bố trí kinh phí, tạo cơ chế thuận lợi để sớm thực hiện đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên Phủ”. Đồng thời “đề nghị Chính phủ ngoài sự quan tâm phân bổ các nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, cần quan tâm chỉ đạo, giao nhiệm vụ cho các tập đoàn kinh tế lớn cùng có trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ và tăng cường đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh đối với các tỉnh miền núi, đặc biệt là các tỉnh biên giới”.

Giám sát tối cao chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018”, không khí phiên thảo luận tại Hội trường sôi nổi, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng, đã có 35 đại biểu đăng ký phát biểu, có 33 ý kiến phát biểu và tranh luận. Qua thảo luận, Quốc hội ghi nhận những kết quả đạt được, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập, đồng thời, đề xuất nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh các bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai trong thời gian tới, nhằm phát huy tối đa giá trị của đất đai trong phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường. Qua giám sát tối cao, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về việc tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị.

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn theo từng nhóm vấn đề trên cơ sở đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội đã quyết định chọn bốn nhóm vấn đề chất vấn thuộc các lĩnh vực: an ninh trật tự, an toàn xã hội; xây dựng; giao thông vận tải và Văn hóa, thể thao và du lịch. Đây là các vấn đề được Quốc hội lựa chọn xuất phát từ những vấn đề bức xúc trong đời sống để hướng tới các giải pháp để giải quyết thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri, nhân dân. Gắn với bốn nhóm vấn đề chất vấn, Bộ trưởng các Bộ: Bộ Công an, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội, các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan đã tham gia trả lời, giải trình làm rõ thêm những nội dung thuộc lĩnh vực quản lý. Quốc hội tiếp tục áp dụng những cải tiến, theo đó các Bộ trưởng không trình bày báo cáo mà chỉ phát biểu không quá 5 phút trước khi các đại biểu Quốc hội chất vấn, mỗi lần chất vấn có 5 đại biểu, mỗi đại biểu chất vấn không quá 1 phút, người trả lời chất vấn có tối đa 3 phút để trả lời mỗi chất vấn của đại biểu. Các đại biểu Quốc hội có thể tranh luận lại nếu thấy không thỏa đáng nhưng thời gian tranh luận không quá 2 phút. Tranh luận chỉ diễn ra giữa người chất vấn và người trả lời chất vấn. Các đại biểu không chất vấn thì không tranh luận với người đặt câu hỏi. Tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đã có 230 lượt đại biểu tham gia chất vấn và tranh luận, phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng. Mặc dù thời gian chất vấn và trả lời chất vấn có giảm hơn so với các kỳ họp trước nhưng số lượng các đại biểu tham gia và khối lượng câu hỏi chất vấn lại tăng lên. Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã có ba chất vấn, tranh luận và đồng thời gửi phiếu chất vấn đến Chính phủ, thành viên Chính phủ, nội dung là những vấn đề được cử tri quan tâm như: Đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp tuyến đường Điện Biên - Tây Trang, Quốc lộ 12, Quốc lộ 279B; công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm ma túy và một số vấn đề xã hội khác. 

Qua hoạt động chất vấn cho thấy, những nhóm vấn đề được Quốc hội lựa chọn là xác đáng, phù hợp với thực tế, được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao. Các đại biểu Quốc hội đã thể hiện tinh thần làm việc nghiêm túc, chất vấn ngắn gọn, rõ ràng, bám sát nhóm vấn đề. Các vị Bộ trưởng trả lời bám sát chức năng, nhiệm vụ, lĩnh vực phụ trách; trả lời thẳng vào vấn đề, giải trình làm rõ nhiều vấn đề đại biểu nêu, đưa ra giải pháp và hướng khắc phục những hạn chế, bất cập. Các Phó Thủ tướng Chính phủ đã dành thời gian trả lời trực tiếp các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội, đồng thời giải trình làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành chung của Chính phủ. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết làm cơ sở để các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân tiếp tục giám sát việc thực hiện. 

Qua kỳ họp cho thấy, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội tiếp tục có những đổi mới, cải tiến quan trọng. Đáng chú ý, tại kỳ họp này, lần đầu tiên triển khai việc sử dụng phần mềm ứng dụng dành cho đại biểu Quốc hội. Theo đó, các đại biểu Quốc hội có thể tiếp cận tài liệu, các thông tin về kỳ họp, thông tin báo chí… ngay trên các thiết bị thông minh cầm tay. Điều này đã góp phần chuyển tải thông tin một cách nhanh nhất đến các đại biểu Quốc hội, giảm việc sử dụng các văn bản giấy trong hoạt động của Quốc hội. Bên cạnh đó, Quốc hội ứng dung, cải tiến việc lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội từ hình thức bằng văn bản sang hình thức bằng bảng điện tử. Qua đó giúp việc lấy ý kiến được chính xác, nhanh chóng và thuân tiện trong việc tổng hợp các ý kiến phục vụ cho công tác tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật. Ngoài ra, sử dụng phần mềm hỗ trợ đại biểu còn có nhiều tiện ích như cung cấp tài liệu, tra cứu thông tin, văn bản pháp luật; tra cứu tổng hợp ý kiến cử tri và giải quyết ý kiến kiến nghị của cử tri phục vụ cho công tác tiếp xúc cử tri. Đây là một trong những kết quả của việc triển khai chương trình xây dựng Quốc hội điện tử, góp phần nâng cao chất lượng kỳ họp.

Hoạt động của Đoàn ĐBQH tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh tích cực, thực hiện tốt quy chế kỳ họp, đã góp phần quan trọng vào thành công của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, được cử tri, nhân dân đánh giá cao./.

Hồ Văn Nam

Phó Chánh VP Đoàn ĐBQH tỉnh

 


Tin liên quan
SỚM THAM MƯU TỔNG KẾT ĐỀ ÁN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG TỈNH ĐIỆN BIÊN ĐẾN NĂM 2015, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
NGHIÊN CỨU, THỰC HIỆN GIẢM HỢP LÝ SỐ LƯỢNG ĐẠI BIỂU HĐND HAY GIẢM ĐẠI BIỂU HOẠT ĐỘNG CHUYÊN TRÁCH
ĐIỆN BIÊN: TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI THEO CHỈ THỊ 40-CT/TW
MỘT SỐ KINH NGHIỆM GIÁM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT ĐƠN CỦA CÔNG DÂN
CẦN XEM XÉT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THANH NIÊN
NGÀNH GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO CẦN TỔNG KẾT TRIỂN KHAI MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI (VNEN)
HIỆU QUẢ TỪ CÁC HỘI NGHỊ GIAO BAN HAI CẤP TỈNH - HUYỆN CỦA THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Khi thầy cô đã thay đổi
Ký ức của chiến sĩ Điện Biên: ông Nguyễn Hữu Chấp
Tỉnh Điện Biên: 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 6 tháng cuối năm 2019