Báo cáo với đoàn giám sát, đồng chí Ngôn Ngọc Khuê - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Ngay sau khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực thi hành, Sở đã tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tuyên truyền, giáo dục pháp luật về quản lý đất đai nói chung và công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nói riêng, được người dân đồng tình ủng hộ. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được đẩy nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu của người sử dụng đất, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn. Thực hiện giải quyết không để hồ sơ và đơn thư khiếu nại tồn đọng về công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Tổng số hồ sơ kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: 34.045 hồ sơ; đã thụ lý và giải quyết: 34.045; số hồ sơ tồn đọng: 20 hồ sơ trên địa bàn thành phố. Số gia đình, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: cấp 34.045 giấy, diện tích 22.850.314,7m2. Tổng số hồ sơ kê khai đăng ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức: 450 hồ sơ, hồ sơ đã thụ lý và giải quyết: 450 hồ sơ. Số tổ chức được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: 184 tổ chức, cấp 450 giấy, diện tích 15.142.687,21m2.
Tổng kinh phí thu nộp ngân sách Nhà nước qua công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất: 720.217.000 VNĐ, trong đó nộp ngân sách Nhà nước: 568.955.000 VNĐ. Đã tập trung tăng cường việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài. Việc tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có 27 vụ việc nhưng không thuộc thẩm quyền xử lý đã được Sở lưu hồ sơ theo dõi theo quy định; UBND tỉnh giao xử lý 04 đơn, Sở giải quyết thực hiện và gửi báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Tuy nhiên vẫn còn có một số hạn chế đó là: Toàn tỉnh mới xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ; 9/10 huyện, thị xã khác đang khó khăn trong việc quản lý các dữ liệu đầu vào, đầu ra của công tác cấp giấy. Kinh phí cho thực hiện đo đạc lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa được bổ sung kịp thời. Đối với đất phi nông nghiệp đặc biệt là đất ở việc mua bán chuyển nhượng thực hiện thường xuyên do đó luôn biến động về chủ sử dụng đất ảnh hưởng đến công tác quản lý đất đai.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng Lê Trọng Khôi đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tập trung rà soát, thống nhất số liệu cấp GCNQSDĐ giữa cấp huyện và Sở; phối hợp với Sở Tài chính tham mưu, đề xuất cân đối nguồn lực xây dựng bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh sớm ban hành quyết định quy định hạn mức tối thiểu việc tách thửa đối với đất nông nghiêp...; đồng chí tiếp thu một số kiến nghị như: Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, Trung ương kịp thời hỗ trợ kinh phí xây dựng Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tỉnh Điện Biên; Đề nghị UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo, quán triệt các cấp, các ngành, các huyện, thị xã, thành phố để cả hệ thống chính trị chung tay tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh./.
Thu Hiền