Qua giám sát cho thấy: UBND huyện đã tập trung chỉ đạo tổ chức tuyên truyền hiệu quả pháp luật về đất đai bằng nhiều hình thức khác nhau để đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp thi hành Luật Đất đai; Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ cấp GCNQSDĐ. Tập trung chỉ đạo công tác lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp; đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện để làm cơ sở cho việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chú trọng cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai. Triển khai công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai theo hướng cải cách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Việc thực hiện, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực, việc phân cấp quản lý Nhà nước về đất đai theo hướng phân cấp nhiều hơn cho các địa phương đã được cụ thể hóa về thẩm quyền theo quy định của Luật Đất đai.
Đến thời điểm báo cáo, toàn huyện đã thực hiện đo đạc địa chính 8/12 xã, tiếp nhận 1.428 hồ sơ đăng ký cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đã thụ lý, giải quyết: 1.375 hồ sơ. Kinh phí thu nộp ngân sách nhà nước qua công tác cấp GCNQSDĐ quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn huyện với tổng số tiền thu nộp ngân sách 8.882.647.635 đồng. UBND huyện Mường Chà chưa tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo nào có liên quan đến việc cấp GCNQDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Công tác thực hiện cải cách hành chính trong việc CGCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, đã chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các đơn vị thi công kê khai đăng ký cấp GCNQSDĐ đảm bảo đúng quy định của luật.
Tuy nhiên, việc thực hiện về cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất còn có những hạn chế đó là: Công tác quản lý đất đai ở một số xã còn chưa chặt chẽ, còn xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, tranh chấp đất đai, đất để hoang hoá và sử dụng không hiệu quả; Công tác quy hoạch sử dụng đất còn tồn tại, một số nội dung chưa đồng bộ gắn với quy hoạch xây dựng, quy hoạch các ngành liên quan; chưa dự báo tốt nhu cầu sử dụng đất cho các mục đích, còn nhiều hạn chế trong tổ chức thực hiện quy hoạch; Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chưa quan tâm đầu tư kinh phí; Công tác quản lý tài chính về đất đai chưa thực sự có hiệu quả, nguồn thu ngân sách từ đất đai chưa tương xứng với tiềm năng đất đai của huyện. Việc đầu tư cho công tác quản lý đất đai còn hạn chế; việc quản lý và phát triển thị trường chuyển quyền sử dụng đất và bất động sản chưa được kiểm soát chặt chẽ…
Kết luận tại buổi làm việc với huyện, đồng chí Vùi Văn Nguyện, Trưởng ban KTNS-HĐND tỉnh, thay mặt tổ giám sát tiếp thu một số kiến nghị như: đề nghị UBND tỉnh quan tâm bố trí kinh phí cho việc đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ cho các loại đất ở khu vực nông thôn theo chỉ tiêu giao tại Quyết định số 221/QĐ-UBND ngày 22/04/2013 của UBND tỉnh Điện Biên; Quy định rõ cơ chế phối hợp chặt chẽ trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai giữa các nghành Thanh tra, Công an, Kiểm lâm với cơ quan Tài nguyên và Môi trường. Đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, các Sở, Ban, Ngành tỉnh tăng cường công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ cấp xã, thị trấn để tránh những sai phạm trong việc quản lý và sử dụng đất đai ở cơ sở. Thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng để tạo sức hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư. Tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp cùng cơ quan chuyên môn cấp huyện, để giải quyết những khó khăn vướng mắc phát sinh, trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện việc đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ cấp GCNQSD đất...
Thu HIền