Theo Tờ trình của Chính Phủ, để phù hợp với Luật quy hoạch năm 2017; qua rà soát các Bộ đề nghị sửa đổi, bổ sung 27 luật hiện hành. Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật để sửa đổi, bổ sung 13 luật liên quan đến Luật quy hoạch, số còn lại tiếp tục rà soát và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thị Dung (ĐBQH tỉnh Điện Biên) nhất trí việc ban hành Luật điều chỉnh, bổ sung một số điều quy định tại các luật có liên quan để phù hợp với Luật quy hoạch năm 2017; nhất trí với đề nghị của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Cơ quan thẩm tra dự thảo luật) về việc không quy định giao cho Chính phủ tiếp tục quy định thêm các điều kiện mà cần sửa đổi, bổ sung ngay trong luật (như việc sửa đổi, bổ sung Luật công chứng). Tuy nhiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật đề nghị Chính phủ cần báo cáo làm rõ việc chưa sửa đổi, bổ sung các nội dung tại Phụ lục III, Luật quy hoạch năm 2017; tiếp tục rà soát các quy định của các luật được đề nghị sửa đổi, bổ sung tại kỳ họp thứ 5 và các luật khác có liên quan như Luật khoa học, công nghệ và môi trường, Luật đầu tư… cho phù hợp, thống nhất với Luật quy hoạch, đảm bảo tính khả thi. Đồng thời, đại biểu đề nghị Ủy ban Kinh tế có quan điểm rõ ràng về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Liên quan đến nội dung của Luật, một số ý kiến cho rằng, với 27 luật cần sửa đổi, bổ sung, tại kỳ họp thứ 5 Chính phủ trình sửa đổi, bổ sung một số điều của 13 luật nhưng đã có 9 luật có quan điểm khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Vì vậy, cần chuẩn bị kỹ hơn, sửa đổi, bổ sung tổng thể các luật có liên quan và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 6.
Đối với dự thảo Luật trồng trọt, có 7 chương, 82 điều. Phát biểu tham gia, có đại biểu cho rằng nội dung quy định cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng giống cây trồng, phân bón chưa được công nhận, lưu hành tại Việt Nam khó khả thi vì người dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa chưa thể nhận biết được giống cây, phân bón nào đã được công nhận, lưu hành. Một số đại biểu đề nghị: cần rà soát quy định của Luật tránh việc trùng lắp nội dung với các luật khác, trong đó có Luật sở hữu trí tuệ; có quy định về chính sách bảo tồn giống cây bản địa có tính chất đặc trưng của các vùng miền; hỗ trợ hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp; có chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số khi thực hiện việc dồn điền, đổi thửa…
Hoa Huyền