Theo Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, năm 2017 kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều có sự tăng trường. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển tích cực. Cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội được củng cố. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại, kinh tế đối ngoại diễn ra sôi động. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, lao động việc làm có những chuyển biến tốt hơn, an sinh xã hội được quan tâm… Trong quý I/2018 tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước đạt 7,38%, là mức cao nhất của Quý I trong 10 năm gần đây.
Phát biểu thảo luận, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Mùa A Vảng cho rằng, việc phân bổ nguồn vốn đầu tư cho các tỉnh hiện nay còn “cào bằng”, chưa có tiêu chí cụ thể và căn cứ vào đặc thù tại các vùng miền, dẫn đến các tỉnh miền núi, biên giới còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị cần có quy định cụ thể để đảm bảo an toàn, quyền lợi cho công dân Việt Nam, nhất là công dân của các tỉnh miền núi, biên giới sang Trung Quốc lao động, làm thuê; có giải pháp sử dụng hiệu quả việc chi đầu tư cho khoa học, công nghệ, nhất là ở các tỉnh.
Đại biểu Lò Thị Luyến nêu con số cụ thể: Năm 2017 giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước đạt 86,8% kế hoạch; 4 tháng đầu năm 2018 tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư ngân sách nhà nước đạt 16,3%, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Vì vậy, đề nghị trong báo cáo của Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân và giải pháp về vấn đề này trong thời gian còn lại của năm 2018.
Cũng trong phiên thảo luận, các đại biểu trong tổ thảo luận và đại biểu Quốc hội tỉnh đã tham gia, đề nghị Chính phủ có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư theo hình thức đầu tư, chuyển giao (BT) tại các tỉnh miền núi; tiếp tục tạo điều kiện, giảm bớt thủ tục hành chính để phát triển kinh tế tư nhân; đánh giá, xác định lại tiêu chí nghèo đa chiều cho phù hợp; có chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào vùng cao, miền núi; đồng thời, làm rõ một số hạn chế về: Tình trạng phá rừng nghiêm trọng, quản lý đất đai chưa chặt chẽ, hoạt động của Hội thánh đức chúa trời… tại một số địa phương.
Tin, ảnh: Hoa Huyền