Tham dự hội nghị có đại diện Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh; cử tri thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Điện Biên phủ và huyện Điện Biên, các trường cao đẳng và một số trường phổ thông trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ.
Tại Hội nghị, đại biểu Lò Thị Luyến đã thông báo tới cử tri dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, đồng thời bày tỏ mong muốn được lắng nghe ý kiến tham gia của cử tri ngành Giáo dục và Đào tạo về hai dự thảo Luật nêu trên.
Phát biểu tại Hội nghị, đa số các cử tri bày tỏ sự đồng thuận cao với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học. Đồng thời có nhiều ý kiến tham gia nhằm hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, cụ thể: Theo quy định hiện hành, hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 4 cấp học là giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Trong đó, giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý, giáo dục nghề nghiệp do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý. Do đó, tại các điều luật có quy định về nhiệmvụ, quyền hạn trong quản lý cấp học giáo dục nghề nghiệp thay vì quy định chung chung là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nên quy định Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho cụ thể. Mặt khác, đề nghị bổ sung các quy định về giáo dục nghề nghiệp trong dự thảo Luật, tương ứng với quy định của các cấp học khác trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Về độ tuổi của học sinh tại cấp học tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định cứng về độ tuổi của học sinh vào học lớp 1 là sáu tuổi, vào học lớp 6 là mười một tuổi và vào học lớp 10 là mười lăm tuổi vì như vậy sẽ khó khăn trong quá trình triển khai, thực hiện do nhiều em vì điều kiện sức khỏe hoặc vì lý do nào đó có thể học sớm hoặc học muộn hơn độ tuổi quy định. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, quy định độ tuổi vào lớp như vậy là phù hợp, tuy nhiên cần có nội dung mở đối với các trường hợp đặc biệt theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường trong việc tuyển dụng nhà giáo, nhân viên, có ý kiến băn khoăn trong trường hợp cần thiết phải điều chuyển giáo viên từ chỗ thừa sang chỗ thiếu thì sẽ thực hiện như thế nào? Về đào tạo trình độ tiến sỹ, để tránh tình trạng đào tạo tràn lan, cử tri đồng tình với quy định chỉ viện nghiên cứu do Thủ tướng Chính phủ thành lập mới được phép đào tạo trình độ tiến sỹ...
Cùng với ttham gia ý kiến vào các dự thảo Luật, cử tri còn có ý kiến, kiến nghị về chế độ, chính sách đối với học sinh, nhà giáo, người quản lý giáo dục, chính sách tinh giản biên chế, nâng độ tuổi nghỉ hưu...
Tại buổi tiếp xúc cử tri, ĐBQH Lò Thị Luyến cảm ơn và xin tiếp thu các ý kiến góp ý của cử tri vào các dự thảo Luật cùng các ý kiến, kiến nghị của cử tri ngành Giáo dục và Đào tạo để tổng hợp gửi đến Quốc hội trong kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.
Tin,ảnh: Mai Hồng