![](/admin/anhup/HDDNT30820172.jpg)
Toàn cảnh buổi làm việc
Báo cáo của UBND tỉnh với đoàn giám sát của Hội đồng dân tộc của Quốc hội cho biết: Tổng diện tích rừng hiện nay của toàn tỉnh là 271.562,30 ha; trong đó 262.249,45 ha đã được giao cho 1.135 cộng đồng, thôn, bản, tổ dân phố quản lý, bảo vệ, đạt 97,57%; 8.610,39 ha được giao cho 3.372 hộ gia đình, cá nhân quản ly, bảo vệ. Tổng kinh phí thực hiện giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp từ giai đoạn 2013 - 2015 là 48.696 triệu đồng…
Tuy nhiên, công tác giao đất, giao rừng trên địa bàn tỉnh hiện nay mới chỉ thực hiện được đối với những diện tích đất lâm nghiệp có rừng, còn diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng chưa giao được do chưa có nguồn kinh phí. Quá trình thực hiện giao đất, giao rừng chưa chặt chẽ ở một số nơi đã làm phát sinh mâu thuẫn tranh chấp đất giữa các cộng đồng giáp ranh. Công tác bảo vệ rừng của một số cộng đồng dân cư và hộ gia đình còn mang tính hình thức nên vẫn còn tình trạng phá rừng, khai thác gỗ trái phép…
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Lâm Thành - Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội nhấn mạnh: Ngoài việc tăng độ che phủ rừng, hạn chế xói mòn, cải thiện tình trạng, chất lượng đất thì việc giao đất, giao rừng gắn cộng đồng trách nhiệm đã hạn chế tình trạng chặt phá rừng, khai thác rừng bữa bãi, trái phép, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, người dân được hưởng phí dịch vụ môi trường rừng... đồng thời đồng chí đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tỉnh Điện Biên cần tăng cường hơn nữa các giải pháp giao đất, giao rừng phù hợp với địa hình từng vùng miền, địa phương để nhân dân yên tâm, tin tưởng vào chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của tỉnh để xem xét, đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và phát triển rừng trong thời gian tới.
Trước đó, Đoàn đã đi kiểm tra, giám sát thực tế tại Xã Sa Lông, huyện Mường Chà.
Nguyễn Dung