Đại biểu Mùa A Vảng, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu tại phiên họp
Đại biểu Mùa A Vảng nhất trí cao việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và phát triển rừng, đồng thời đề nghị: giữ nguyên tên gọi "Luật Bảo vệ và phát triển rừng"; bổ sung hành vi “Lợi dụng chức vụ quyền hạn, bao che, tiếp tay để khai thác rừng, săn bắt động vật rừng trái pháp luật” vào hành vi bị nghiêm cấm bởi thực tế cho thấy, có không ít vụ việc khai thác gỗ, săn bắt, buôn bán động vật rừng có sự bao che của người có chức, có quyền hoặc làm ngơ của lực lượng chức năng, do vậy luật cần quy định cụ thể hành vi này, góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.
Về thẩm quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng, đại biểu cho rằng dự thảo Luật quy định còn chồng chéo về trách nhiệm giữa HĐND và UBND; nếu quy định UBND có thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất rừng, thì đề nghị quy định cụ thể diện tích được chuyển đổi.
Về chính sách của nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng, đại biểu đánh giá, thực tế việc bảo vệ rừng hiệu quả nhất vẫn là do người dân trực tiếp thực hiện. Do đó, đề nghị bổ sung quy định: “Nhà nước có chính sách khuyến khích hộ gia đình, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp bảo vệ rừng, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên...”. Đồng thời, giao Chính phủ quy định chính sách đặc thù cho vùng, miền để bảo vệ rừng khu vực xung yếu, biên giới và các khu vực cung cấp nguồn nước chính cho các thủy điện lớn.
Về phòng cháy, chữa cháy: Dự thảo quy định, chủ rừng có diện tích rừng lớn, tập trung, dễ cháy phải thiết kế và xây dựng đường ranh, đường mương ngăn lửa, chòi canh lửa. Đồng chí Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cho rằng, quy định như vậy chỉ phù hợp với chủ rừng là tổ chức, doanh nghiệp có điều kiện về tài chính, vì trên thực tế có những chủ rừng, có hàng chục ha rừng, nhưng hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn không có điều kiện xây dựng kênh mương ngăn lửa, chòi canh lửa... Vì vậy, đại biểu đề nghị chỉ quy định phải xây dựng mương ngăn lửa, chòi canh lửa đối với một số loại rừng cụ thể, có diện tích lớn như rừng kinh tế, rừng đặc dụng…
Dự thảo luật Bảo vệ và phát triển rừng được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp này, dự kiến sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XIV./.
Mai Hồng