Phát biểu tại phiên thảo luận, các vị đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đồng tình và cho rằng việc sửa đổi Luật quản lý nợ công và Luật tố cáo rất cần thiết, nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật tố cáo năm 2011 và không còn phù hợp với hiện nay; tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của Đảng về tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, giải quyết khiếu nại, tố cáo; đồng thời cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về quyền tố cáo của công dân là quyền con người.
Sửa đổi Luật Quản lý nợ công để phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013, đồng thời đảm bảo thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan như Luật NSNN năm 2015, Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nợ bền vững, an toàn, hiệu quả phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, đối với các nội dung cụ thể của hai dự án luật, các đại biểu đề nghị bổ sung vào phạm vi nợ công các khoản nợ tự vay, tự trả của DNNN vì cho rằng, đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, Nhà nước vẫn phải có trách nhiệm đối với các khoản nợ trong trường hợp doanh nghiệp không có khả năng trả nợ. Về trách nhiệm quản lý nợ công, nên giao cho một cơ quan đầu mối quản lý nợ công nhằm khắc phục tình trạng quản lý như hiện nay có ba cơ quan quản lý (Ngân hàng NN đàm phán đi vay, Bộ KH-ĐT phân bổ vốn vay, Bộ Tài chính đi trả nợ vay) là chưa đáp ứng yêu cầu về cải cách hành chính và sẽ không khắc phục được các hạn chế đang diễn ra hiện nay, nhiều cơ quan cùng quản lý nợ công ở các công đoạn khác nhau, dẫn đến tình trạng quản lý phân tán, việc phối hợp chưa chặt chẽ nên công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo, quyết toán, thống kê, đặc biệt việc xác định trách nhiệm vay, trả nợ, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn vay, bố trí vốn đối ứng còn khó khăn, bất cập.
Đối với dự thảo Luật Tố cáo (sửa đổi), các đại biểu băn khoăn về tính khả thi của quy định “trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan giải quyết tố cáo có ban hành quyết định áp dụng biện pháp để bảo vệ người tố cáo, người thân thích của người tố cá khi phát hiện nguy cơ đe dọa người tố cáo, người thân thích của người tố cáo hoặc khi nhận được yêu cầu bảo vệ của người tố cáo”; đặc biệt là việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, uy tín người thân thích của người tố cáo là rất khó khăn nếu như không có một quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng. /.
Hồ Nam