Theo báo cáo của hai Sở, diện tích đất nông nghiệp toàn tỉnh là 728.964,87 ha; trong đó, đất trồng lúa là 89.297,91 ha; đất lâm nghiệp là 358.105,15 ha; đất nuôi trồng thủy sản là 2.174,88 ha; đất nông nghiệp khác là 131,87 ha. Về công tác quản lý đất đai, giao đất, giao rừng, cho thuê đất: Đến nay, toàn tỉnh cơ bản đã thực hiện xong công tác giao rừng theo kế hoạch 388/KH-UBND. Tổng diện tích đất có rừng đã giao 310.898,48 ha trên 129 xã, phường, thị trấn, đạt 84,6% diện tích đất có rừng, trong đó giao rừng gắn với giao đất cho cộng đồng và hộ gia đình, cá nhân là 249.224,81 ha của 129/130 xã, phường, thị trấn (rừng sản xuất 73.712,99ha; rừng phòng hộ 153.339,73ha, rừng đặc dụng là 22.172,09ha) với tổng số 3.632 chủ rừng (1.216 cộng đồng dân cư, nhóm hộ và 2.416 cá nhân, hộ gia đình). Giao rừng gắn với giao đất cho 6 tổ chức là 61.673,67 ha, gồm: Trại giam Nà Tấu huyện Điện Biên là 113,9 ha; Ban quản lý rừng DTLS và CQMT Mường Phăng là 1.004,13 ha; Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé là 44.309,89 ha; Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện: Điện Biên 1.301,07 ha; huyện Mường Chà 5.470,1 ha; huyện Tuần Giáo 9.474,63 ha. Thực hiện giao đất, bố trí đất sản xuất nông nghiệp cho các hộ gia đình, cá nhân theo Đề án 79, tổng số hộ phải giao đất là 1.319 hộ, tổng diện tích đất phải giao là 2.010,76 ha; trong đó, đất ở là 52,76 ha; đất sản xuất là 1.958 ha. Đã giao cho 974 hộ gia đình với diện tích 38,96 ha đất ở, giao cho 492 hộ với diện tích 931,16 ha đất sản xuất nông nghiệp. Diện tích đất cho phép Công ty cổ phần chế biến nông sản Điện Biên thuê đất nông nghiệp (đất trồng lúa) để thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh là 106 ha (trên địa bàn huyện Điện Biên là 68 ha, thành phố ĐBP là 38 ha). Diện tích đất bàn giao lại cho các địa phương là 667 ha (trên địa bàn huyện Điện Biên là 204 ha, thành phố ĐBP là 74 ha, huyện Mường Ảng 389 ha).
Đoàn giám sát làm việc với SởTài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên.
Tại buổi làm việc, đoàn giám sát yêu cầu Sở TN&MT làm rõ một số nội dung về: Việc xây dựng quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp; công tác đo đạc lập hồ sơ địa chính; việc kiểm kê, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm của các huyện; tình trạng vi phạm trong việc sử dụng đất nông nghiệp, người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất; biện pháp xử lý đối với những hộ dân lấn chiếm đất dọc quốc lộ 279, đoạn qua C9 xã Thanh Xương, các dự án “treo”, chậm tiếp độ; Chất lượng đội ngũ cán bộ địa chính ở cấp xã. Đối với Sở NN&PTNT, cần làm rõ hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; trách nhiệm của Sở trong việc xử lý những vi phạm trong việc sử dụng đất nông nghiệp trái mục đích; công tác xây dựng quy hoạch, quản lý quy hoạch trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng; việc tổ chức cắm mốc, nhận biết trên thực địa về ranh giới giữa rừng sản xuất và rừng phòng hộ…
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Giàng Thị Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý và sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, việc triển khai giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với đất lâm nghiệp có rừng theo kế hoạch 388/KH-UBND hai Sở đã phối hợp thực hiện khá tốt; tuy nhiên, công tác quản lý và sử dụng đất nông nghiệp tại một số huyện cũng còn hạn chế, tình hình vi phạm trong quản lý và sử dụng đất nông nghiệp vẫn xảy ra. Đồng chí cũng yêu cầu, trong thời gian tới, Sở TN&MT, Sở NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ, tham mưu tích cực cho tỉnh để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý và sử dụng đất đai nói chung, đất nông nghiệp nói riêng (đặc biệt là đất chuyên trồng lúa), quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, người dân tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất; sớm hoàn thành việc giao đất, cấp giấy chứng nhận QSDĐ đối với diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, quy hoạch các vùng nuôi trồng, sản xuất các sản phẩm nông sản sạch, có giá trị kinh tế cao…
Quốc Văn