Đại biểu Mùa A Vảng - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên phát biểu ý kiến tại kỳ họp. Ảnh: Quang Khánh
Đại biểu Mùa A Vảng nhất trí cao về sự cần thiết ban hành Luật quy hoạch để sớm khắc phục tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch dàn trải và quản lý chia cắt xung đột giữa các địa phương. Luật quy hoạch được ban hành sẽ là công cụ giúp quản lý kinh tế-xã hội một cách thống nhất, đồng bộ và tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho sự phát triển liên kết vùng, phát triển bền vững. Đồng thời, đại biểu tham gia một số ý kiến vào dự thảo dự án Luật:
Tại Khoản 4, Điều 8 chính sách của nhà nước về hoạt động quy hoạch, quy định tăng cường hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch; tại Khoản 7, Điều 9 nội dung quản lý nhà nước về hoạt động quy hoạch cũng quy định hợp tác quốc tế trong hoạt động quy hoạch. Quy định như vậy chưa rõ ràng, chồng chéo, chưa phù hợp với nội dung, tên gọi của Điều 8, Điều 9 của dự thảo, chưa thể hiện rõ chính sách của nhà nước về hoạt động quy hoạch, nên cần rà soát quy định cụ thể hơn về nội dung tại Khoản 4, Điều 8 và Khoản 7, Điều 9 của dự thảo luật.
Về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch, tại Khoản 1, Điều 31 quy định Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể quốc gia; Khoản 2, Điều 31 quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Như vậy, nội dung quy hoạch tỉnh được quy định Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong khi quy hoạch tổng thể quốc gia lại không quy định thẩm quyền phê duyệt thuộc Thủ tướng Chính phủ là chưa hợp lý. Theo nội dung quy định tại Điều 3 của dự thảo, quy hoạch tổng thể quốc gia là việc định hướng chiến lược về phân bố phát triển và tổ chức không gian các hoạt động kinh tế-xã hội, hệ thống đô thị nông thôn, kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, bảo đảm quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế trên lãnh thổ quốc gia. Đây là nội dung rất quan trọng, quy hoạch tổng thể quốc gia có liên quan đến quốc phòng, an ninh do Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch theo Khoản 1, Điều 26. Vì vậy, đề nghị luật nên quy định nội dung này thuộc thẩm quyền phê duyệt thuộc Thủ tướng Chính phủ. Nội dung quy định tại Khoản 2, Điều 31 phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nên quy định thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chính phủ.
Đại biểu đề nghị xem xét quy định thêm nội dung về thành lập Hội đồng thẩm định, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cấp huyện, cấp xã. Dự thảo luật quy định hệ thống quy hoạch cấp huyện, cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn nhưng Luật quy hoạch đô thị chưa quy định rõ nội dung này. Tại Khoản 6, Điều 21 quy định nguyên tắc lập quy hoạch là phải bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa lợi ích công và lợi ích tư và giữa các lợi ích của các cấp lãnh thổ khác nhau, quy định như vậy chưa chặt chẽ, có thể hiểu nhiều nghĩa khác nhau. Lợi ích tư được hiểu như thế nào trong Luật quy hoạch. Nguyên tắc lập quy hoạch phải đảm bảo hướng tới mục tiêu phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, đảm bảo sự liên kết, tính đồng bộ giữa các ngành, các vùng trong cả nước, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, từng địa phương, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, là mục tiêu, nguyên tắc hàng đầu đã được quy định cụ thể trong các khoản tại Điều 21. Do đó, cần xem xét lại nội dung quy định tại Khoản 6, Điều 21 của dự thảo luật cho phù hợp. Đại biểu Mùa A Vảng cũng đề nghị rà soát một số lỗi kỹ thuật, một số nội dung trong dự thảo luật do còn chồng chéo, thiếu chặt chẽ giữa các điều, khoản...
Hoa Huyền