Đại biểu Trần Thị Dung tán thành các ưu đãi về đất đai đối với tổ chức, cá nhân đầu tư kinh doanh đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, các quy định này nhìn chung thống nhất với Luật đất đai năm 2013 và Luật đầu tư năm 2014. Tuy nhiên, đề nghị giao Chính phủ quy định chi tiết việc giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất xây dựng công trình phục vụ kinh doanh dịch vụ thương mại trong phạm vi đất dành cho đường sắt và không giao Thủ tướng Chính phủ quy định đối với từng trường hợp như quy định tại Điểm b, Khoản 1, Điều 6 dự thảo luật nhằm bảo đảm thống nhất với Điều 110 của Luật đất đai.
Đại biểu đồng tình với việc cần có chính sách ưu đãi về tín dụng đối với những dự án đầu tư phát triển trong lĩnh vực đường sắt. Tuy nhiên, quy định ưu đãi về lãi suất vay tín dụng từ nguồn đầu tư của nhà nước và quy định về lĩnh vực điều kiện đầu tư theo lĩnh vực đối tác công tư đã được Luật đầu tư và các luật như: Luật các tổ chức tín dụng, Luật ngân sách nhà nước, Luật quản lý nợ công, giao Chính phủ quy định chi tiết và Chính phủ đã ban hành các nghị định chi tiết về những nội dung này. Do đó, không nên quy định về các vấn đề này trong Luật đường sắt tại Điểm a, Điểm c, Khoản 2, Điều 6. Đề nghị đưa các nội dung này vào nghị định của Chính phủ để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Trường hợp cần luật hóa các quy định này đề nghị quy định đầy đủ, cụ thể, chi tiết hơn để đảm bảo tính khả thi. Đối với quy định về bảo lãnh của Chính phủ tại Điểm b, Khoản 2, Điều 6 Luật quản lý nợ công năm 2009 đã quy định cụ thể về đối tượng, điều kiện được cấp bảo lãnh Chính phủ, vì vậy nên cân nhắc không bổ sung quy định này vào dự thảo luật để tránh chồng chéo.
Về ngành nghề ưu đãi đầu tư, theo quy định tại Điều 16 Luật đầu tư thì một số ngành nghề có liên quan đến đường sắt đã được ưu đãi đầu tư như đầu tư phát triển và vận hành, quản lý công trình kết cấu hạ tầng, phát triển vận tải hành khách công cộng tại các đô thị và giáo dục nghề nghiệp. Nay dự thảo luật quy định tất cả kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt là ngành nghề ưu đãi đầu tư. Theo quy định của dự thảo luật thì kinh doanh đường sắt bao gồm kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, kinh doanh vận tải đường sắt, công nghiệp đường sắt bao gồm sản xuất, lắp ráp, hoán cải, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện giao thông đường sắt, sản xuất phụ kiện, phụ tùng chuyên dùng cho đường sắt. Vì vậy, việc bổ sung quy định này để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của ngành đường sắt, các ngành nghề trong lĩnh vực đường sắt. Quy định như vậy thống nhất với quy định về việc mở rộng ưu đãi đầu tư trong trường hợp có quy định khác đã được quy định tại Điều 18 của Luật đầu tư. Tuy nhiên, đề nghị đánh giá tác động cụ thể, chi tiết đối với những ngành nghề trong kinh doanh đường sắt, công nghiệp đường sắt.
Về sử dụng đất dành cho đường sắt: Việc quy định cho phép xây dựng công trình phục vụ kinh tế - xã hội trong phạm vi đất dành cho đường sắt là quá rộng, như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến an toàn giao thông đường sắt. Vì vậy, đề nghị chỉ cho phép kết hợp xây dựng công trình phục vụ mục đích như quốc phòng - an ninh, công trình phục vụ quản lý, khai thác đường sắt, công trình viễn thông, điện lực, đường ống cấp thoát nước, xăng, dầu, khí... trong phạm vi đất hành lang an toàn giao thông đường sắt mà không thể bố trí ngoài phạm vi đất này được. Về định giá trong lĩnh vực đường sắt đại biểu đề nghị cân nhắc quy định giá dịch vụ điều hành giao thông vận tải đường sắt tại Điều 73, vì chưa đảm bảo thống nhất với Luật giá. Đồng thời, đề nghị cần làm rõ vì sao chỉ hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt do nhà nước đầu tư mà không phải là hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị để thu hút đầu tư và tạo sự công bằng trong cạnh tranh; cân nhắc việc quy định về dường sắt tốc độ cao trong dự thảo luật...
Hoa Huyền