Đánh giá kết quả thực hiện Chính sách dân tộc giai đoạn 2011-2015, Ủy ban Dân tộc xác định rõ một số bất cập và đã tham mưu cho Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh cho phù hợp với thực tế, từ hỗ trợ cho hộ gia đình sang hỗ trợ cho cộng đồng và tạo sinh kế để khắc phục dần tình trạng không hộ nào chịu thoát nghèo, từ cho không sang cho vay với lãi suất ưu đãi và khắc phục tình trạng trông chờ ỷ lại; từ hỗ trợ dài hạn sang hỗ trợ có điều kiện sau 3 -5 năm thì phải cam kết thoát nghèo. Đặt vấn đề xã hội đối với những người không còn sức lao động, già cả, cô đơn, những người tàn tật sẽ chuyển sang thực hiện chính sách xã hội, còn lại phải vươn lên để thoát nghèo. Mặt khác, quá trình thực hiện chính sách dân tộc cũng cho thấy cần phải phân cấp mạnh hơn nữa cho địa phương quản lý và quá trình đầu tư xây dựng có sự tham gia, giám sát của cộng đồng.
Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc giải trình tại phiên thảo luận
Giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách rất quan trọng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, một trong những chính sách quan trọng đó là chính sách giảm nghèo: Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, vùng dân tộc thiểu số được thụ hưởng 2 dự án, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội các huyện nghèo 30a và Chương trình 135 với 3 hợp phần, tổng hai dự án là gần 35.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo ban hành thêm một số chính sách đặc thù đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi như: chính sách hỗ trợ cho học sinh ở trường phổ thông và ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 116/2016/NĐ-CP; chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng gắn với giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 75/2016/ NĐ-CP; Nghị định số 52/2016/NĐ-CP về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg; đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016 - 2025 theo Quyết định số 2086/QĐ-TTg…
Về vấn đề cử tuyển: Bộ trưởng nhận định, chính sách này đã có bất cập, đúng như nội dung các đại biểu đã phản ánh: Hai em học sinh cùng ở một làng, cùng một dân tộc, người thi đỗ vào đại học thì đi học không được hỗ trợ gì, còn người không thi đỗ đại học thì lại được đi cử tuyển, sau đó lại được hưởng chính sách ưu đãi về tuyển dụng. Bất cập này đang được nghiên cứu, sửa đổi cho phù hợp.
Bộ trưởng Đỗ Văn Chiến chia sẻ, bản thân Bộ trưởng cũng là một người dân tộc ít người, sinh ra lớn lên và có nhiều năm công tác ở miền núi cho nên rất thấu hiểu và xin chia sẻ khó khăn, vất vả với bà con sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn. Đồng thời, cũng mong muốn đồng bào các dân tộc thiểu số chúng ta cũng phải đồng lòng, chung sức chia sẻ khó khăn chung của cả nước. Khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại, tự ti, quyết tâm vượt qua chính mình, tìm tòi học tập, thay đổi cách làm ăn để thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Mai Hồng