Về Dự án luật du lịch, đại biểu Lò Thị Luyến và Trần Thị Dung đồng quan điểm, cho rằng dự án Luật có quá nhiều điều, khoản giao cho Chính phủ và các Bộ, ngành quy định chi tiết, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể hơn. Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật một số quy định như: điều kiện được phép kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh lữ hành quốc tế; bổ sung vào Điều 56 một trường hợp phải bị thu hồi thẻ đó là "Cho người khác sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch của mình" vì đây cũng là một hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 6, Điều 10 Dự thảo Luật; cân nhắc quy định về việc niêm yết công khai giá bán hàng và dịch vụ, nội quy của cơ sở lưu trú du lịch bằng tiếng Việt và tiếng Anh vì thấy rằng quy định này chưa phù hợp đối với cơ sở lưu trú du lịch là bãi cắm trại du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê… Đại biểu băn khoăn vì Dự thảo Luật chưa có quy định thế nào là am hiểu về khu du lịch, điểm du lịch; cơ quan, đơn vị nào có trách nhiệm cấp văn bằng, chứng chỉ chứng minh điều kiện về am hiểu về khu du lịch, điểm du lịch quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 52.
Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Mùa A Vảng cho rằng quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận, xử lý kiến nghị của khách du lịch trên địa bàn tại khoản 2, Điều 15 là chưa phù hợp với quy định về phân cấp và cải cách thủ tục hành chính, đồng thời chưa phù hợp với quy định tại khoản 5 Điều 77 Dự thảo Luật, đề nghị sửa lại thành "Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức tiếp nhận, xử lý kiến nghị của khách du lịch trên địa bàn"; đề nghị bổ sung hành vi xâm hại môi trường sống và tài nguyên thiên nhiên của đất nước vào Điều 10 các hành vi bị nghiêm cấm. Ngoài ra đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét, quy định kéo dài thời hạn sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch, Dự thảo Luật quy định thời hạn 5 năm là quá ngắn.
Đại biểu Trần Thị Dung không tán thành với quy định về việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tại Điều 6 và quy định nhà nước khuyến khích thành lập quỹ cho xúc tiến du lịch tại khoản 2, Điều 67. Đồng thời, đề nghị quy định cụ thể, thiết thực hơn về chính sách phát triển du lịch; cân nhắc quy định về việc hướng dẫn viên du lịch đã được cấp thẻ phải làm thủ tục chuyển đổi thẻ trong vòng 6 tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực thi hành.
Về Dự án Luật thủy lợi, đại biểu Mùa A Vảng cho rằng các nội dung quy định tại Dự thảo Luật hầu hết đã được quy định ở các Luật khác như Luật tài nguyên nước, Luật đê điều…, do đó, không nhất thiết phải ban hành Luật thủy lợi.
Đại biểu Mùa A Vảng - Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH phát biểu tại phiên thảo luận
Đại biểu Trần Thị Dung đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại quy định về chủ sở hữu và chủ quản lý công trình thủy lợi tại khoản 18, 19 Điều 3. Đồng thời, đề xuất giao cho Chính phủ quy định chi tiết cả 4 điều thuộc mục 2, Chương IV về vận hành công trình thủy lợi vì nhận thấy việc vận hành công trình thủy lợi có ảnh hưởng rất lớn cả về người và tài sản của vùng hạ du, đặc biệt là vận hành công trình thủy lợi trong trường hợp lũ, lụt, ngập úng, hạn hán và xâm ngập mặn. Trong thời gian vừa qua, việc vận hành một số đập đã gây ra tình trạng lũ lụt, hạn hán có thiệt hại cả về người và tài sản nhưng quá trình xử lý, quy trách nhiệm gặp rất nhiều khó khăn. Về an toàn trong vận hành, khai thác công trình thủy lợi, đại biểu Lò Thị Luyến cho rằng, Ban soạn thảo chưa quan tâm đúng mức về tiêu chí "rủi ro về người" mà đặt tiêu chí "an toàn công trình" lên hàng đầu là chưa phù hợp. Đề nghị xem xét, chỉnh sửa một số quy định: về các loại đập phải lập phương án ứng phó với các tình huống khẩn cấp trước khi đưa vào vận hành tại khoản 2, Điều 28; về xử lý công trình hiện có trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi tại khoản 2, Điều 52…
Mai Hồng