Tham gia phát biểu ý kiến, đại biểu Mùa A Vảng nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi) như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. Đồng thời, có ý kiến tham gia vào một số nội dung như: theo quy định tại dự thảo Luật, đất đai là tài sản công, do đó đề nghị bổ sung quy định về việc thu hồi trong trường hợp các cơ quan, tổ chức được giao đất nhưng trong vòng 24 tháng không sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả; quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại các tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp như dự thảo Luật là chưa thống nhất, dẫn đến trong cùng hệ thống, cùng thực hiện chức năng, nhiệm vụ như nhau nhưng việc đầu tư, quản lý và sử dụng tài sản lại khác nhau; đề nghị nghiên cứu, xem xét, quy định cụ thể hơn về hành vi thiếu trách nhiệm trong quản lý để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức nếu để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Đại biểu Mùa A Vảng - Tỉnh ủy viên - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh
phát biểu tham gia ý kiến vào dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)
Đối với dự thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, đại biểu Trần Thị Dung cho rằng cần nghiên cứu, sắp xếp lại các khoản quy định về hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 5 cho ngắn gọn, khoa học, mặt khác đề nghị bỏ khoản 19 về các hành vi khác, quy định như vậy trái với Hiến pháp và Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về những trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo, đại biểu đề nghị cân nhắc các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 4, Điều 21, theo quy định hiện hành thì các đối tượng này thuộc trường hợp nổ súng sau khi đã cảnh báo. Mặt khác, để đảm bảo tính thống nhất cần rà soát quy định về nổ súng tại các văn bản pháp luật khác như Luật Cảnh sát biển, pháp luật về cảnh vệ...; quy định về đối tượng được trang bị vũ khí thể thao, vũ khí thô sơ cho phù hợp với mục đích sử dụng. Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị chỉ rõ đối tượng bị nghiêm cấm tại khoản 2, Điều 5 dự thảo Luật vì quy định như vậy làm hạn chế tính sáng tạo trong chế tạo, sản xuất vũ khí, vật liệu nổ. Quy định người sử dụng có trách nhiệm không để hư hỏng vũ khí, công cụ hỗ trợ là chưa phù hợp vì hư hỏng có thể do chủ quan hoặc khách quan, do đó đề nghị sửa lại là không được hủy hoại thay vì hư hỏng như dự thảo. Đề nghị quy định cụ thể hơn về sự phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình thực hiện trách nhiệm tiếp nhận, thu gom, phân loại, bảo quản, thanh lý, tiêu hủy vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.
Mai Hồng