Từ ngày 02/10 đến ngày 13/10 năm 2016, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức giám sát tại thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên, thị xã Mường Lay và một số đơn vị Sở GD-ĐT, Nội vụ, LĐTBXH, Y tế, Kế hoạch - Đầu tư, trường cao đẳng KTTH, Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh.
Sau khi Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết 272, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 537/QĐ-UBND ngày 26/6/2012 phê duyệt Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh Điện Biên đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, theo đó phân công cho các sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu của Đề án.
Đoàn giám sát làm việc tại Sở Giáo dục
Qua 4 năm thực hiện Đề án, nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về phát triển nguồn nhân lực đã có chuyển biến tích cực; chất lượng nguồn nhân lực đã được nâng lên một bước. Qui mô nguồn nhân lực, cơ cấu lao động, trình độ chuyên môn, thể chất, tác phong...cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Nổi bật ở một số chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch (14/23 chỉ tiêu), như công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm, thể chất nguồn nhân lực được cải thiện. Tỷ lệ SDD trẻ em < 5 tuổi giảm còn 18%. Giáo dục các cấp học phát triển cả số lượng và chất lượng. Hàng năm đào tạo nghề và tạo việc làm cho hơn 8000 lao động. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức. Giáo dục chuyên nghiệp phát triển, mở rộng, tăng cường liên kết với các trường đại học để đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động, CBCC đi đào tạo nâng cao trình độ. Sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước, huy động nguồn vốn hợp pháp khác, công tác xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn nhân lực được chú trọng.
Đoàn giám sát làm việc tại UBND thành phố Điện Biên Phủ
Tuy nhiên, là tỉnh miền núi, biên giới, đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ học vấn không đồng đều. Nhận thức của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể và bản thân người lao động về phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế. Do đó còn 9/23 chỉ tiêu chưa đạt so với kế hoạch, người lao động chưa qua đào tạo còn chiếm tỷ lệ cao, đào tạo chưa gắn với nhu cầu của xã hội, do đó không tìm được việc làm còn lớn; cán bộ, công chức có trình độ cao, chuyên sâu chưa nhiều. Tuổi thọ bình quân mới đạt 67,4, thấp hơn trung bình toàn quốc 5,6 tuổi...
Qua giám sát, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân kiến nghị với UBND tỉnh, các cấp các ngành một số nội dung:
Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng trình độ lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, công chức. Nghiên cứu, bổ sung các chính sách nhằm khuyến khích, thu hút sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường đạt bằng loại giỏi, công chức, viên chức có trình độ cao về tỉnh công tác. Tập trung đào tạo nghề cho người lao động, gắn với mở rộng thị trường lao động ở các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, các Doanh nghiệp của các tỉnh, thành phố trong nước; Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực. Xây dựng xã hội học tập, cộng đồng học tập, dòng họ hiếu học, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài.. nhằm đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục - đào tạo./.
Như Ngọc