Tại hội nghị, các đại biểu đã lắng nghe các bài tham luận về nâng cao hiệu quả các mặt của công tác dân nguyện. Các tham luận của các chuyên gia đến từ: Tòa án nhân dân tối cao, Hội đồng dân tộc của Quốc hội; Ban tiếp công dân Trung ương; các đồng chí nguyên là: Lãnh đạo Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội và một số tham luận của các Đoàn ĐBQH, HĐND các tỉnh, thành phố: Sơn La, Hải Phòng…

Đồng chí Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu tại Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Đại tướng Đỗ Bá Tỵ - Ủy viên trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, năm 2016 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ, năm tổ chức bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Phát huy những kết quả của nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp đang tiếp tục đổi mới, cải tiến trên tất cả các mặt hoạt động, trong đó có công tác Dân nguyện nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động, làm tốt chức năng đại diện, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Thời gian qua, công tác Dân nguyện của Quốc hội, Hội đồng nhân dân được triển khai mang lại những hiệu quả thiết thực, từng bước được đổi mới, tăng cường, gần dân, sát dân hơn. Tuy vậy, với tính chất là hoạt động gắn với ý chí, nguyện vọng của nhân dân, trước yêu cầu ngày càng cao của cuộc sống, công tác dân nguyện cũng còn nhiều mặt tồn tại, hạn chế.

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Trước những vấn đề nêu trên, việc Ban Dân nguyện tổ chức Hội nghị này là rất cần thiết để trao đổi, làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và có giải pháp để khắc phục. Hội nghị sẽ góp phần đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân nguyện trong thời gian tới./.
Tin, ảnh: Đỗ Dung