Nghiên cứu - Trao đổi  

Giải pháp tổ chức huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tuần Giáo

Cập nhật ngày 05/07/2016 16:23:37 PM - Lượt xem: 256


Huyện đã tập trung thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thực hiện công tác giảm nghèo bền vững cho nhân dân, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội ở địa phương một cách vững chắc. Đã huy động được hơn 781.391 triệu đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, ngân sách các cấp đầu tư trực tiếp cho Chương trình là  33.230 triệu đồng, chiếm 4,25%; vốn lồng ghép từ các chương trình dự án: 743.445  đồng, chiếm 95,14%; vốn tín dụng chiếm 0%; vốn doanh nghiệp, HTX 0%; vốn cộng đồng dân cư: 4.716 đồng, chiếm 0,61%. Như vậy, trên thực tế việc huy động nguồn lực trong triển khai Chương trình nông thôn mới của huyện không đúng như cơ cấu vốn theo tỉ lệ 4:3:2:1 được quy định tại Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ (theo Quyết định số 800/QĐ-TTg thì cơ cấu vốn gồm: 40% từ ngân sách nhà nước, trong đó 17% trực tiếp từ Chương trình nông thôn mới, 23% từ lồng ghép các Chương trình, dự án khác; 30% từ tín dụng; 20% từ doanh nghiệp, HTX và 10% từ cộng đồng dân cư).

Qua việc huy động vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cho thấy huyện đã tập trung huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên việc huy động và quản lý các nguồn vốn này còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại. Vốn đầu tư trực tiếp từ ngân sách của các cấp cho xây dựng nông thôn mới còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu bởi vì trên thực tế qua 5 năm, bình quân mỗi xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015 (3 xã điểm) được phân bổ gần 3 tỷ đồng/xã (bao gồm cả vốn đầu tư và sự nghiệp), nguồn vốn quá thấp so với nhu cầu. Vốn lồng ghép các chương trình, dự án là chiếm đa số. Nguồn vốn doanh nghiệp không huy động được, điều này một mặt nông nghiệp, nông thôn không hấp dẫn để các doanh nghiệp đầu tư, mặt khác chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn theo Nghị định số 61của Chính phủ chưa đủ hấp dẫn. Vốn huy động từ cộng đồng dân cư chiếm 0,61%, đây cũng là nguồn vốn được sử dụng hiệu quả nhất, vì do dân đóng góp tại chỗ và được kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện. Nhưng để tiếp tục huy động sức dân xây dựng NTM, khó khăn hiện nay là thu nhập của nông dân quá thấp.

Để triển khai thực hiện tốt Chương trình nông thôn mới trong thời gian tới, nhất là trong việc huy động nguồn lực thì cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:

1. Trước hết cần ưu tiên triển khai công tác lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn với nguồn vốn thuộc Chương trình nông thôn mới để phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Chương trình xây dựng nông thôn mới cần ưu tiên đầu tư tập trung cho các xã đăng ký đạt chuẩn.

Song song với đó cần huy động có hiệu quả nguồn lực từ nhân dân, Ngân sách huyện, bố trí lồng ghép, huy động mọi nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện các nhiệm vụ, nội dung xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên hỗ trợ thực hiện các tiêu chí có thể tạo nên sự phát triển đột phá, có tính chất lan toả đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Bên cạnh đó cần tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư trực tiếp cho Chương trình theo kế hoạch hằng năm; đảm bảo việc đầu tư hiệu quả, đúng trọng tâm theo kế hoạch đã đề ra trong Đề án xây dựng nông thôn mới.

2. Tiếp tục hướng dẫn khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho người dân và các tổ chức kinh tế vay vốn tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 41 của Chính phủ; hướng dẫn nông dân vay vốn nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, thực hiện tốt các cơ chế tín dụng có liên quan.

3. Đẩy mạnh thực hiện chính sách thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các xã nông thôn mới. Sử dụng có hiệu quả các khoản viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; các khoản huy động hợp pháp khác để thực hiện xây nông thôn mới tại cơ sở.

4. Cần chú trọng phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của, hiến vật kiến trúc, cây lâu năm, quyền sử dụng đất ... để góp phần cùng với ngân sách nhà nước thực hiện có hiệu quả các nội dung Chương trình.

5. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách, đường lối của Đảng, nhà nước. Đặc biệt là phải tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM để người dân hiểu rõ, hiểu sâu hơn tầm quan trọng của việc xây dựng NTM, từ đó tích cực tham gia cùng nhà nước xây dựng NTM ở quê mình.

BBT

 


Tin liên quan
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở thành phố Điện Biên Phủ
Chúng tôi đã đến trường sa
Nữ đại biểu dân cử được Nhân dân mến phục tin yêu
Văn phòng – chuyện vui, buồn
Những điều chỉnh mới của Luật bảo hiểm xã hội
Cần giúp cử tri nhận thức đúng quy định: tham gia Bảo hiểm y tế theo hộ gia đình
Nhớ về những ngày tháng hào hùng của dân tộc Việt Nam
Một số điểm mới của Luật Tổ chức Chính phủ 2015
Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ tiếp tục đổi mới toàn diện các mặt hoạt động
Những điểm mới trong Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015