Đoàn đã tiến hành giám sát trực tiếp tại xã Tỏa tình - huyện Tuần Giáo, Xã Thanh Minh - TP Điện Biên Phủ và làm việc với UBND huyện Tuần Giáo, TP Điện Biên Phủ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Đối với thực hiện Luật du lịch: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, các đơn vị đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật du lịch; Công tác điều tra, rà soát, đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch; Quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch; xếp hạng Khu du lịch, Điểm du lịch, Tuyến du lịch; Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; Quản lý kinh doanh du lịch, dịch vụ du lịch; Bảo vệ, tôn tạo tài nguyên du lịch…. Hiện nay, lượng khách du lịch đến Điện Biên ước trên 420.000 lượt/năm, trong đó lượng khách quốc tế đạt 70.000 lượt. Doanh thu từ du lịch năm năm 2015 đạt 550 tỷ đồng. Tuy nhiên các Khu du lịch, điểm du lịch, tuyến du lịch trên địa bàn toàn tỉnh chưa hội đủ các điều kiện để trình các cấp có thẩm quyền công nhận theo quy định vì vậy các hoạt động tự phát của các tổ chức cá nhân kinh doanh có xu hướng tăng, gây ảnh hưởng đến mỹ quan và tính nguyên vẹn của di tích và tài nguyên du lịch. Hoạt động kinh doanh lữ hành còn hạn chế. Các quy định để xác định rõ vai trò, trách nhiệm của UBND cấp huyện, cấp xã đối với công tác quản lý, phát triển du lịch chưa được ban hành.
Đối với tình hình triển khai Nghị quyết 304/NQ-HĐND, ngày 13/5/2013 của HĐND tỉnh Điện Biên: Công tác bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc đã có được sự thống nhất trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp; công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể; việc xếp hạng, khoanh vùng bảo vệ, trùng tu, tôn tạo di tích, đã được tích cực triển khai, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc tỉnh Điện Biên.
Công tác bảo tồn văn hoá các dân tộc thiểu số bước đầu đã được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, từng bước được nâng cao, đã khơi dậy và phát huy vai trò làm chủ trong văn hoá của nhân dân. Các hoạt động văn hoá, thể thao ở cơ sở bước đầu đã góp phần xây dựng tư tưởng tình cảm lành mạnh cho nhân dân, thúc đẩy thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trong việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xoá đói giảm nghèo, giữ gìn trật tự an ninh xã hội trên địa bàn.
Tuy nhiên, việc đầu tư, bảo tồn và phát huy có hiệu quả văn hoá truyền thống các dân tộc còn ít, một số di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc mới được kiểm kê và nhận diện, chưa được nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học. Công tác bảo tồn văn hóa các dân tộc rất ít người chưa được triển khai đồng bộ. Một số Dân tộc Si La, dân tộc Cống, nhiều di sản văn hóa đang đứng trước nguy cơ mai một cần phải bảo vệ khẩn cấp. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa mới tập trung chủ yếu ở loại hình lễ hội và một số phong tục, tập quán, tín ngưỡng.
Nguyễn Dung