Làm việc với đoàn công tác có đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy và lãnh đạo một số sở, ban, ngành.
Trong 3 tháng đầu năm 2016, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Dự ước giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 390 tỷ đồng, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt trên 495 tỷ đồng, tăng trên 14% so với cùng kỳ 2015. Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 2.700 tỷ đồng, tăng trên 18% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu ngân sách địa phương ước trên 1.700 tỷ đồng, đạt trên 26% dự toán giao; tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện trên 1.500 tỷ đồng, đạt trên 22% dự toán giao.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên ngày 14/3/2016.
Trong công tác chỉ đạo bầu cử, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị cán bộ toàn tỉnh quán triệt, triển khai thực hiện các Chỉ thị của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về công tác chuẩn bị bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Thành lập BCĐ, Ủy ban bầu cử cấp tỉnh, cấp huyện và các tiểu ban giúp việc; đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đến thời điểm này, tỉnh đã ấn định và công bố số đơn vị bầu cử; toàn tỉnh có 2 đơn vị bầu cử Quốc hội, 13 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh, 83 đơn vị bầu cử HĐND cấp huyện, 846 đơn vị bầu cử HĐND cấp xã. Ấn định số lượng bầu đại biểu QH khóa XIV là 6 người, đại biểu HĐND tỉnh là 51người, đại biểu HĐND cấp huyện là 327 người và 3.367 đại biểu HĐND cấp xã. Ủy ban bầu cử tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan tham mưu kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị về điều kiện, phương tiện phục vụ bầu cử; lập dự toán kinh phí báo cáo Bộ Tài chính,Bộ Nội vụ; tổ chức in tài liệu, khắc dấu các tổ chức phụ trách bầu cử và cấp phát cho các tổ chức bầu cử. Toàn tỉnh dự kiến có 1.058 khu vực bỏ phiếu.
Để hoàn thành các Chương trình, dự án trọng điểm, tỉnh đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét bổ sung số vốn còn nợ đọng thuộc dự án Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giai đoạn II; đề nghị cho phép kéo dài Đề án 79 đến năm 2020; phân bổ đủ nguồn kinh phí cho tỉnh Điện Biên tiếp tục thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, đồng thời cho phép tỉnh kéo dài thời gian nghiệm thu, thanh quyết toán đối với 13 công trình thuộc Dự án đang triển khai thi công; đầu tư giai đoạn 2 công trình Bệnh viện đa khoa tỉnh; nâng cấp quốc lộ 279 đoạn Điện Biên - Tây Trang; nâng cấp quốc lộ 279B; đề án bê tông hóa giao thông nông thôn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2015 - 2020; nâng cấp Cảng hàng không Điện Biên.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả trên lĩnh vực phát triểnkinh tế - xã hội tỉnh đã đạt được trong 3 tháng đầu năm 2016, nhất là công tác chuẩn bị bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, trong công tác chuẩn bị tổ chức bầu cử, tỉnh cần tổ chức hội nghị hiệp thương lần 2 chu đáo, cụ thể, kịp thời; nhanh chóng xác minh những vấn đề liên quan đến khiếu nại tố cáo trước ngày bầu cử. Đảm bảo tình hình an ninh trật tự, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa không để tình huống bất ngờ phát sinh, bảo vệ an toàn tuyệt đối bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Với truyền thống cách mạng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Phó Thủ tướng tin tưởng rằng, Điện Biên sẽ là địa phương đi đầu trong công tác bầu cử.
Để thực hiện tốt hơn mục tiêu xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ, Điện Biên cần quan tâm cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp và người dân phát triển kinh tế; cải thiện đời sống, giảm nghèo trong giai đoạn mới; phát triển du lịch cần thực hiện 3 yếu tố “cộng đồng tốt, cơ chế tốt, thương hiệu tốt”; củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, đoàn kết, trên dưới một lòng để cùng nhau xây dựng miền Tây Bắc của Tổ quốc no ấm, phát triển.
Nguồn: baodienbienphu