Đối với tỉnh Điện Biên, hiện đang triển khai thực hiện Đề án phát triển KT-XH vùng dân tộc Cống theo Quyết định số 105/QĐ-UBND ngày 28/02/2012 của UBND tỉnh. Sau khi Đề án được UBND tỉnh phê duyệt, Ban Dân tộc tỉnh (đơn vị chủ đầu tư) đã nhanh chóng tổ chức triển khai thực hiện Đề án như: thành lập Ban quản lý dự án; tập trung tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền trực tiếp đến với người dân thông qua các cuộc họp, hội nghị, các hoạt động khảo sát tại cơ sở... do đó đã tạo sự đồng thuận, huy động được sự tham gia của chính quyền cơ sở, và nhân dân vùng dự án trong quá trình triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất, về vốn đầu tư xây dựng, giai đoạn 2013 - 2015, Đề án được trung ương giao 36 tỷ đồng; trong hai năm 2013-2014, được giao 20.240 triệu đồng để đầu tư 3 công trình (đường giao thông Pa Thơm - Huổi Moi; đường giao thông bản Lả Chà, xã Pa Tần; cầu treo bản Lả Chà, xã Pa Tần). Nhưng đến tháng 5 năm 2015 mới triển khai hoàn thành 01 công trình giao thông bản Lả Chà, xã Pa Tần, huyện Nậm Pồ (giai đoạn I) đưa vào sử dụng; chất lượng đảm bảo, phục vụ nhu cầu đi lại cho nhân dân trong khu vực, tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc phát triển sản xuất, giao thương hàng hóa, từng bước xóa đói giảm nghèo, nâng cao dời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Đối với công trình cầu treo bản Lả Chà, xã Pa Tần, tiến độ thi công quá chậm so với quyết định phê duyệt, sau 3 năm thi công đến nay công trình mới làm xong mố cầu và đường dẫn vào cầu. Công trình đường giao thông Pa Thơm - Huổi Moi (giai đoạn I) với tồng mức đầu tư là 14.157 triệu đồng, tổng chiều dài là 11,356 km được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 885/QĐ-UB ngày 04/11/2013 đến nay đã mở tuyến được 6,5km, tuy nhiên theo hướng tuyến đường đang mở đi qua khu rừng phòng hộ nhưng đơn vị chủ đầu tư chưa phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để hoàn thiện các thủ tục cần thiết như: đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, xây dựng phương án trồng rừng thay thế, cam kết bảo vệ môi trường… theo quy định của pháp luật nên phải tạm dừng thi công từ tháng 5/2014 đến nay sau một năm công trình đường giao thông Pa Thơm - Huổi Moi vẫn chưa được thi công trở lại, gây bức xúc cho người dân. Thứ hai, về vốn hỗ trợ sự nghiệp, trong hai năm 2013-2014, được giao 2.620 triệu đồng để hỗ trợ các hộ gia đình đảm bảo điều kiện sống, phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp... nhưng hết năm 2014, mới giải ngân được 1.647 triệu đồng (đạt 63% kế hoạch). Số kinh phí còn lại (973 triệu đồng) đến tháng 5/2015 vẫn chưa được triển khai.
Qua công tác giám sát thực tế tại các địa bàn triển khai thực hiện Đề án cho thấy, nhiều chỉ tiêu trong Đề án đến năm 2015 sẽ khó hoàn thành theo kế hoạch đề ra như: Chỉ tiêu 100% các bản được xây dựng mới, nâng cấp đường giao thông từ trụ sở xã đến các điểm bản dân cư và nội cụm dân cư theo chuẩn đường giao thông nông thôn loại A, mặt bằng đổ bê tông, hệ thống thoát nước vĩnh cửu, 100% các bản dân tộc Cống có nhà văn hóa, trang thiết bị phục vụ cho nhu cầu văn hóa - thể thao của người dân , 100% các bản có đường giao thông nội bản, 100% các bản được xây dựng công trình thủy lợi, kênh mương… phục vụ sản xuất. Trong khi đó việc bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện đề án chậm.
Đời sống của dân tộc Cống còn gặp nhiều khó khăn, tình trạng thiếu đói giáp hạt vẫn thường xảy ra, tỷ lệ hộ nghèo cao, bản Lả Chà xã Pa Tần huyện Nậm Pồ có 46/60 hộ nghèo, bản Púng bon xã Pa Thơm huyện Điện Biên có 21/47 hộ nghèo, bản Huổi moi xã Pa thơm đều là hộ nghèo, bản này chưa có điện lưới quốc gia, chưa được phủ sóng truyền hình, đường nước sinh hoạt tuy đã được đầu tư từ chương trình 135 giai đoạn I đến nay đã hư hỏng, xuống cấp không còn sử dụng được.
Việc chia tách bản Si Văn từ bản Púng Bon xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cũng còn bộc lộ những hạn chế nhất định, đến nay đã có quyết định chia tách nhưng chưa xác định được địa điểm cụ thể để đặt bản Si Văn, chưa thực hiện việc di chuyển và hỗ trợ di chuyển để sớm ổn định nơi ở cho người dân bản mới được chia tách theo quy định, công tác phối hợp trong việc giám sát chất lượng, tiến độ thi công các công trình đang được triển khai, thi công hiệu quả chưa cao.
Do đó, để triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc Cống tỉnh Điện Biên giai đoạn 2011 - 2020 theo quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, cần lắm sự quan tâm của các cấp, các ngành./.
Lầu Nỏ Sa
Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Điện Biên