Nghiên cứu - Trao đổi  

Tên gọi khác của đồi A1 trước chiến dịch điên biên phủ năm 1954.

Cập nhật ngày 21/07/2015 10:26:00 AM - Lượt xem: 256

Đồi A1 là một trong những điểm di tích rất nổi tiếng trong tổng thể cụm di tích chiến thắng Điện Biên Phủ, sự kiến tạo của thiên nhiên không biết vô tình hay hữu ý đã tạo nên một quả đồi nằm dài theo hướng Tây Bắc-Đông Nam này vị trí rất quan trọng. Trong lịch sử thiên di qui mô lớn của bộ tộc Thái, có một chiến tướng cầm binh mãi mã đi “mở đất” cũng đã từng chọn quả đồi này để lập dinh lũy, và trong số chúng ta có thể có những người chưa biết quả đồi này trước khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam có tên gọi là “Pom Lạng Chượng”; thời kỳ thực dân Pháp chiếm đóng gọi là “đồi Đồn Tây”, “Ê-li-an (Eliane) 2”; từ chiến dịch giải phóng Điện Biên Phủ năm 1954 cho đến nay được gọi là “đồi A1”.


* Trước chiến dịch Điện Biên Phủ:

Tên gọi Pomi Lạng Chượng: Lạng Chượng là người dân tộc Thái, sống vào khoảng cuối thế kỷ XI đầu thế kỷ XII. Lạng Chượng đưa tộc người Thái thiên di với quy mô lớn cùng với đoàn quân chinh chiến đi mở đất và chỉ kết thúc khi đã đến được Mường Thanh (Điện Biên). Thế nhưng, nhân vật Lạng Chượng trong lịch sử phát triển cộng đồng người Thái Tây Bắc Việt Nam, không được người Thái coi là một anh hùng mà chỉ là một chiến tướng và là người bất nhân, bất nghĩa. Lạng Chượng là con út của tạo Lò (mường Lò: Văn Chấn-Yên Bái ngày nay) đã nhìn thấy sự trù phú và vị trí quan trọng của Mường Then và có ao ước được làm chủ mảnh đất này. Lạng Chượng vốn là một chiến tướng, năm ba mươi tuổi ông bắt đầu chiêu binh mãi mã (khoảng đầu thế kỷ thứ XII), những đoàn quân chinh chiến của Mường Lò do Lạng Chượng dẫn đầu bắt đầu lên đường đi “mở đất”. Từ cánh đồng Mường Lò đoàn quân đi xuôi xuống đánh chiếm các mường phía tả ngạn sông Đà, họ đến đánh chiếm đất của các chúa mường thuộc vùng Sơn La. Khi Lạng Chượng đánh đến Mường Muổi (Thuận Châu-Sơn La), Lạng Chượng không thắng được phải lui xuống Mường Mụa (Mai Sơn-Sơn La), sau đó Lạng Chượng tính kế thu phục chúa Mường Muổi mà không phải đổ máu, Lạng Chượng đã xin làm con rể chúa đất Mường Muổi, xin lấy nàng Ho Quảng (cũng là một chiến tướng) là con gái Ẳm Poi làm vợ, Ẳm Poi đồng ý. Ẳm Poi dũng mãnh về quân sự nhưng nhẹ dạ, cả tin đã không thắng nổi sự toan tính của Lạng Chượng, Ẳm Poi bị Lạng Chượng giết. Lạng Chượng dẫn quân kéo về Mường É (Xã Chiềng Ve-Thuận Châu-Sơn La), đến Mường Quai (huyện Tuần Giáo-Điện Biên), họ xuôi theo các khe suối xuống vùng dọc sông Mã sang Thượng Lào, ngược qua miền đất Hua Cảnh, Lọng Chuông (xã Núa Ngam-huyện Điện Biên) và đổ bộ vào vùng đất lòng chảo Mường Thanh (Điện Biên), cuộc thiên di này đã kết thúc khi họ đến được Mường Thanh và gặp người đồng tộc của mình là người Thay Lự. Khi đã chiếm được đất Mường Thanh, Lạng Chượng lập dinh lũy ở quả đồi có vị trí đắc địa trong phòng ngự quân sự quan trọng này, kể từ đó quả đồi này được gọi tên là Pom Lạng Chượng (pom=đồi).

Du khách thăm quan di tích lịch sử đồi A1 tại thành phố Điện Biên Phủ.     Ảnh: HL

Đến khi thực dân Pháp xâm chiếm được Điện Biên, tên quả đồi này được người dân Điện Biên gọi là “đồi đồn Tây”

Tên gọi “đồi đồn Tây”: Thực dân Pháp đã thấy tầm quan trọng của quả đồi này từ thời kỳ “đạo quan binh thứ 4” thiết lập cai quản theo chế độ quân quản (27/3/1916-4/9/1943). Hồi đó sở dĩ có tên gọi là “đồi đồn Tây” là vì tòa sở của quan binh kiêm quan cai trị là người Pháp đóng tại đây, đồn binh cũng đóng tại đây. Tại dinh cơ này, đã có 3 viên quan Pháp thay nhau “nối ngôi trị vì”: Quan tư Phua-ma-sa (Fourmachat), quan ba Vay-ăng (Vaillant), quan hai Giô-ne (Johner).

Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp trên toàn Đông Dương, quân Pháp tại Lai Châu, Điện Biên bị quân Nhật truy đánh ráo riết. Quân Pháp cùng bọn tay sai đầu sỏ chạy sang Vân Nam Trung Quốc, nương nhờ vào Mỹ và Tưởng Giới Thạch, chờ thời cơ để quay lại Lai Châu, Điện Biên. Khi quân Nhật đến thế chân quân Pháp tại Điện Biên, chúng cũng đóng quân trên đồi này. Ngày 15/8/1945 phát xít Nhật tuyến bố đầu hàng đồng minh, Nhật rút quân khỏi Điên Biên.

Tên gọiÊ-li-an 2”: Đến tháng 2 năm 1946 quân Pháp chiếm lại được Điện Biên, chúng quyết tâm xây dựng tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thành các phân khu có hệ thống phòng ngự bất khả xâm phạm. Tại phân khu trung tâm, Pháp xác định là nơi phòng ngự chủ yếu, các cụm đồi phía đông trong đó có “đồi đồn Tây” là một trong những điểm cao quan trọng bậc nhất của thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ, chúng gọi “đồi đồn Tây” là cái cổ họng của Điện Biên Phủ nên chúng xây dựng, củng cố các lô cốt, hầm ngầm kiên cố vững trãi và chúng đặt cho một cái tên rất mỹ miều là Ê-li-an 2, tại đây chúng bố trí hai tiểu đoàn quân tinh nhuệ nhất, có máy bay, xe tăng, đại bác yểm trợ, khi bộ đội ta tấn công chúng liều chết để bảo vệ cứ điểm này.

* Từ khi triển khai chiến dịch Điện Biên Phủ:

Tên gọi Đồi A1: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, A1 là một ký hiệu mà quân ta đặt cho quả đồi, A1 có vị trí quan trọng trong cụm đồi phía đông là điểm cao quan trọng bậc nhất của hệ thống phòng ngự tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, ta quyết tiêu diệt vì nếu ta tiêu diệt được điểm cao lợi hại này thì phân khu trung tâm sẽ không đủ sức chống đỡ và tập đoàn cứ điểm cũng bị uy hiếp nghiêm trọng. Tại đồi A1, ròng rã 36 ngày đêm nhiều trận chiến đấu vô cùng ác liệt đã diễn ra, ta giành giật với địch từng tấc đất. Cuối cùng kế hoạch đánh dứt điểm đồi A1 được bộ đội ta thực hiện bằng cách đào hầm ngầm (16 ngày đêm mới xong) đặt gần 1000kg thuốc nổ (được công binh ta lấy từ những quả bom trong chiếc máy bay 4 động cơ bị ta bắn rơi tại cánh đồng Cang Na (Xã Thanh Luông-Điện Biên) phía cuối sân bay hiện nay. Đúng 21 giờ đêm ngày 6/5/1954 bộ đội ta kích khối bộc phá nổ tung, 2 giờ 30 phút sáng 7/5/1954 cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân ta tung bay trên đồi A1, điểm cao cuối cùng, chiếc chìa khóa của tập đoàn cứ điểm đã lọt vào tay ta.

Vậy đấy, A1 là một ký hiệu, là sự chiến thắng đã được lịch sử công nhận, đã trở thành tên gọi “Đồi A1” từ đó, một cái tên gắn với chiến công của quân đội nhân dân Việt Nam và trở thành bất tử, đồi A1 gắn với Điện Biên Phủ như Ngọc Hồi gắn với Đống Đa./.

Lò Thị Luyến

Phó Ban Văn hóa Xã hội HĐND tỉnh

 


Tin liên quan
Tiếp thêm niềm tin cho dân tộc rất ít người
Còn nhiều việc cần “bàn”
Giám sát mạnh sẽ tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động
Đại biểu HĐND không cần tăng nhiều về số lượng nhưng phải tăng mạnh về chất lượng
Tập trung lãnh đạo phát huy sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2015
Không ngừng đổi mới, Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh năm 2015
Nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của các ban HĐND tỉnh
Công tác mặt trận tham gia xây dựng chính quyền và kiến nghị của MTTQ với HĐND, UBND, Đại biểu HĐND
Kinh nghiệm trong công tác thẩm tra báo cáo, đề án, tờ trình của UBND trình kỳ họp HĐND
Bồi dưỡng kỹ năng hoạt động cho đại biểu hội đồng nhân dân