Hoạt động tại các kỳ họp Quốc hội  

Quốc hội thông qua Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi)

Cập nhật ngày 25/06/2015 07:22:55 AM - Lượt xem: 256

Sáng 24/6, với 87,85% đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi).


 

 

 

Ảnh: Đình Nam

Luật kiểm toán nhà nước (sửa đổi) với 9 Chương, 73 Điều, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và hoạt động của Kiểm toán Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng Kiểm toán Nhà nước; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán viên nhà nước; quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động kiểm toán nhà nước.

Trước khi thông qua, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đọc Báo cáo Giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Kiểm toán nhà nước (sửa đổi).

Theo đó, về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán (Điều 7), có ý kiến đề nghị, cân nhắc tính bắt buộc của Báo cáo kiểm toán và cho rằng chỉ có giá trị bắt buộc thực hiện sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn hoặc cơ quan hành pháp, bộ chuyên ngành, quản lý Nhà nước, Bộ công an, tòa án xác định đó là sai phạm; có ý kiến đề nghị cần có ý kiến của cơ quan cấp trên thì đối tượng được kiểm toán mới thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.

 

 

 

Vấn đề này Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc quy định có tính bắt buộc của Báo cáo kiểm toán nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của đơn vị được kiểm toán và trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong việc đưa ra các kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán, khắc phục tình trạng thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước những năm qua chưa nghiêm do tồn tại của Luật hiện hành.

Đồng thời, theo quy định của Hiến pháp, Kiểm toán Nhà nước là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Do vậy, Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước cũng mang tính độc lập, không một cơ quan nào có thể can thiệp và Kiểm toán Nhà nước phải chịu trách nhiệm trước kết luận, kiến nghị của mình.

Vì vậy, việc quy định Báo cáo kiểm toán phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn hoặc cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp xác định có sai phạm là không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp. Khi có căn cứ cho rằng kết quả kiểm toán ghi trong báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước là trái pháp luật, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đơn vị được kiểm toán thì đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại theo Điều 69 của Dự thảo luật. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ quy định về giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán thể hiện tại Điều 7 của Dự thảo luật.

 

 

 

Về đơn vị được kiểm toán (Điều 55), một số ý kiến đề nghị, những doanh nghiệp nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống nên để cho kiểm toán độc lập kiểm toán, khi thấy cần thiết Kiểm toán nhà nước chỉ thẩm tra kết quả kiểm toán của tổ chức kiểm toán độc lập.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, về nguyên tắc, ở đâu có tài chính công, tài sản công là phải được kiểm toán theo quy định tại khoản 2 Điều 118 của Hiến pháp, không phân biệt đối tượng quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, để phù hợp với năng lực của Kiểm toán Nhà nước hiện nay và tình hình quản lý doanh nghiệp nói chung trong nền kinh tế, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Dự thảo luật quy định: đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vẫn kiểm toán toàn diện như Luật hiện hành; đối với doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống, giao cho Tổng Kiểm toán Nhà nước trong trường hợp cần thiết thì quyết định lựa chọn mục tiêu, tiêu chí, nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp.

 

 

 

Về nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước (khoản 3 Điều 12), Qua thảo luận ở hội trường, đại biểu Quốc hội có hai nhóm ý kiến: (1) đề nghị quy định nhiệm kỳ Tổng Kiểm toán Nhà nước là 5 năm phù hợp với nhiệm kỳ của Quốc hội; (2) đề nghị quy định nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là 7 năm như Luật hiện hành. Sau khi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, đa số đại biểu (79,23%) đồng ý với phương án: “Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội (5 năm), có thể được bầu lại nhưng không quá hai nhiệm kỳ”.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho tiếp thu quy định về nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán nhà nước là 5 năm theo đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, thể hiện tại khoản 3 Điều 12 của Dự thảo luật.

Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016.

An Vy

(Nguồn: quochoi.vn)

 
 


Tin liên quan
Quốc hội thông qua Luật tổ chức chính quyền địa phương
Quốc hội thông qua Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)
Quốc hội thông qua chương trình hoạt động giám sát năm 2016
Thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)
Quốc hội kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII
Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)
Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử