Hoạt động tại các kỳ họp Quốc hội  

Quốc hội thông qua Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi)

Cập nhật ngày 22/06/2015 14:35:25 PM - Lượt xem: 256

Sáng 19/6, với 410/433 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 83%, Quốc hội đã thông qua Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Luật sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 và thay thế Luật tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 hết hiệu lực.


 

 

 

                                                                                                                                                Ảnh: Nam Nguyễn

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết, ngày 1/6/2015, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi). Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và nhiều nội dung của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, các vị đại biểu Quốc hội cũng góp thêm nhiều ý kiến về các điều, khoản cụ thể trong dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật.

Cơ bản tán thành với Báo cáo trên, đa số đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) gồm 7 Chương và 50 Điều.

Theo đó, đã có 433 đại biểu tham gia biểu quyết, bằng 87.65% tổng số đại biểu Quốc hội. Số đại biểu Quốc hội tán thành là 410 (tỷ lệ 83%), số đại biểu không tán thành là 6 (tỷ lệ 1.21%) và số đại biểu không biểu quyết là 17 (tỷ lệ 3.44%).

Như vậy, sau khi dự thảo Luật được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội và báo cáo công tác trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước.

Thành viên của Chính phủ gồm có Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ. Cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Cơ cấu tổ chức của Chính phủ gồm các bộ, cơ quan ngang bộ. Việc thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ do Chính phủ trình Quốc hội quyết định.

Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước và do Quốc hội bầu trong số các đại biểu Quốc hội theo đề nghị của Chủ tịch nước. Thủ tướng Chính phủ có một số nhiệm vụ và quyền hạn như: lãnh đạo công tác của Chính phủ; lãnh đạo xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật, phòng, chống tham nhũng; lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia...

Về số lượng cấp phó, Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi) quy định số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang bộ không quá 5; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao không quá 6. Trong trường hợp do sáp nhập bộ, cơ quan ngang bộ hoặc do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cơ quan có thẩm quyền thì Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đối với cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, số lượng cấp phó của người đứng đầu vụ, văn phòng, thanh tra, cục và đơn vị sự nghiệp công lập không quá 3; số lượng cấp phó của người đứng đầu tổng cục không quá 4.

Sau khi được thông qua, Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016 và sẽ thay thế Luật tổ chức Chính phủ số 32/2001/QH10 hết hiệu lực.

Đức Phương

(Nguồn: quochoi.vn)

 


Tin liên quan
Quốc hội thông qua chương trình hoạt động giám sát năm 2016
Thảo luận ở hội trường về dự án Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi)
Quốc hội kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Khai mạc Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII
Quốc hội thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)
Quốc hội thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2015
Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử
KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIII SẼ QUYẾT ĐỊNH NHIỀU VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG
LỘ TRÌNH TĂNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI THUỐC LÁ PHẢI NHANH HƠN