Chương trình hoạt động  

Bỏ hình phạt tử hình với tội danh nào cần phải được cân nhắc, đánh giá một cách đầy đủ

Cập nhật ngày 22/06/2015 14:25:09 PM - Lượt xem: 256

Ngày 16/6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội dành trọn một ngày để thảo luận về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Một trong những thay đổi của dự thảo Bộ luật đó là quy định chặt chẽ các điều kiện áp dụng hình phạt tử hình nhằm thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt này, hình phạt tử hình chỉ được áp dụng đối với một số đối tượng phạm một số loại tội đặc biệt nghiêm trọng và mở rộng các trường hợp không thi hành án tử hình.


Phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Thị Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho rằng:

Một là về vấn đề hạn chế hình phạt tử hình trong dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Tử hình là hình phạt đặc biệt có nội dung cưỡng chế nghiêm khắc nhất, tước bỏ quyền sống của người bị kết án, chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Quyền sống là quyền tự nhiên của con người, tử hình là tước bỏ quyền sống của người bị kết án, do vậy tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt. Khi áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội, nhà nước ta đã loại bỏ hoàn toàn sự tồn tại của họ trong xã hội vì lợi ích chung của cả xã hội. Tử hình chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội, nhưng tử hình không phải là sự trả thù của nhà nước mặc dù nó đã thể hiện đến mức tối đa khả năng trừng trị nguời phạm tội. Tử hình không đặt ra mục đích cải tạo và giáo dục người bị kết án, tuy nhiên tử hình vẫn có mục đích phòng ngừa riêng, loại bỏ khả năng phạm tội mới của người bị kết án.

Từ thực tiễn cho thấy, tử hình chỉ được áp dụng trong trường hợp phạm tội gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, có ảnh hưởng rất xấu đến xã hội, bị dư luận xã hội kịch liệt lên án. Tôi đồng tình cao mới mục tiêu quan điểm chỉ đạo xây dựng Bộ luật hình sự lần này là nhằm xây dựng Bộ luật hình sự phù hợp với giai đoạn phát triển mới của đất nước sau khi Quốc hội thông qua Hiến pháp; thể chế hóa đầy đủ, toàn diện các chủ trương, đường lối của Đảng trong các văn kiện Đại hội lần thứ 11 của Đảng; Nghị quyết 48, 49 của Bộ Chính trị, đặc biệt là chủ trương hạn chế áp dụng hình phạt tử hình theo hướng chỉ áp dụng đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc bỏ hình phạt tử hình với tội danh nào cần phải được cân nhắc, đánh giá một cách đầy đủ, vừa bảo đảm tính nhân đạo của nhà nước ta với người phạm tội. Đồng thời, đảm bảo hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Ví dụ, với tội vận chuyển trái phép chất ma túy quy định tại Điều 251 của dự thảo luật.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa 12 đã thảo luận để bỏ hình phạt tử hình đối với tội này nhưng chưa được sự đồng tình của đại biểu Quốc hội. Chỉ có gần 44% đại biểu Quốc hội đồng tình nên vẫn giữ khung hình phạt cao nhất đến tử hình. Trong bối cạnh hiện nay, nhiều vụ án các đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng rất lớn, thủ đoạn tinh vi cấu kết chặt chẽ và thường trang bị vũ khí sẵn sàng chống trả quyết liệt các lực lượng chức năng của ta. Rất nhiều gương hy sinh dũng cảm của cán bộ chiến sỹ công an, biên phòng trong cuộc chiến khốc liệt này. Vì vậy cá nhân tôi thấy cần tiếp tục hình phạt tử hình đối với tội này.

Với 3 tội, tội phá hoại hòa bình gây chiến tranh xâm lược, tội chống loài người, tội phạm chiến tranh quy định tại các Điều 436, 437, 438 là loại tội phạm nghiêm trọng nhất trong các loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Vì vậy, giữ hình phạt tử hình đối với các tội danh này là thể hiện quan điểm của nhà nước ta đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng này trong tương quan với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác quy định trong Bộ luật hình sự.

Hai, về trường hợp không áp dụng, không thi hành án tử hình quy định tại Điều 39 của dự thảo luật. Theo Điều 35 của Bộ luật hình sự hiện hành là không áp dụng hình phạt tử hình đối với người chưa thành niên phạm tội, đối với phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi vi phạm tội hoặc khi bị xét xử. Không thi hành án tử hình đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Trong trường hợp này hình phạt tử hình trở thành tù chung thân. Người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi phạm tội là những đối tượng đặc biệt của chính sách hình sự của nhà nước Cộng hòa xã hộixChủ nghĩa Việt Nam.

Quy định tại Điều 35 của Bộ luật hình sự chủ yếu xuất phát từ nguyên tắc nhân đạo của Luật hình sự. Đặc điểm tâm sinh lý của người chưa thành niên, phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con nhỏ và ảnh hưởng của những đặc điểm này đến khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của họ cũng như cân nhắc khả năng cải tạo giáo dục người chưa thành niên phạm tội và hậu quả áp dụng hình phạt đối với phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ.

Dự thảo bộ luật đã bổ sung quy định tại Khoản 2 và Khoản 3, Điều 39 không áp dụng hình phạt tử hình đối với người phạm tội từ 70 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử. Không thi hành án tử hình nếu người bị kết án từ 70 tuổi trở lên.

Về vấn đề này tôi đồng tình với đa số ý kiến của Ủy ban tư pháp tại báo cáo thẩm tra. Tôi phân tích để làm rõ thêm. Một số năm gần đây, trong một số vụ án hình sự có không ít đối tượng phạm tội đặc biệt nghiêm trọng là người từ 70 tuổi trở lên. Ví dụ, bị cáo Huỳnh Văn Siêng sinh năm 1943 trú tại Giồng Trôm tỉnh Bến Tre phạm 2 tội hiếp dâm trẻ em và giao cấu với trẻ em mà nạn nhân là 2 bé gái sinh năm 2000.

Bị cáo Lê Đức Mỹ, 82 tuổi, trú tại thành phố Tây Ninh, phạm tội hiếp dâm trẻ em mà nạn nhân là bé gái 7 tuổi, 5 tháng.

Bị cáo Nguyễn Văn Tài, 85 tuổi, trú tại thành phố Nam Định phạm tội giết người, nạn nhân bị giết hại với 43 nhát dao chính là vợ của bị cáo.

Bị cáo Nguyễn Thị Mứt, Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh bị bắt quả tang mua 10 bánh heroin và khi khám nhà thu giữ thêm 2 bánh heroin với 92.000 USD.

Đây là những trường hợp người trên 70 tuổi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng có khung hình phạt cao nhất tử hình. Tôi cho rằng người 70 tuổi trở lên vẫn đủ sức khỏe, đủ năng lực để thực hiện hành vi phạm tội, tại sao lại được miễn trừ án tử hình và như vậy có đảm bảo nguyên tắc Hiến định mọi người đều bình đẳng trước pháp luật theo Khoản 1, Điều 16, Hiến pháp hay không.

Bên cạnh đó, nếu quy định như dự thảo luật thì người từ đủ 70 tuổi trở lên phạm bất kỳ tội phạm nào cũng được miễn hình phạt tử hình và như tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội khủng bố, tội chống loài người, tội phạm chiến trạnh được miễn áp dụng hình phạt tử hình lại càng phải hết sức cân nhắc và cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này trong xây dựng Bộ luật hình sự. 

BBT

 


Tin liên quan
Cần quy định rõ hơn hệ quả pháp lý khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kiến nghị giám sát
Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia xây dựng luật
Đoàn ĐBQH khóa XIII tỉnh làm việc với UBND tỉnh về việc thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH, ngân sách tỉnh năm 2014
Đồng chí Lò Văn Muôn thăm, tặng quà tết các đơn vị và cá nhân tại huyện Điện Biên
Đoàn đại biểu Quốc hội và thường trực HĐND tỉnh Điện Biên làm việc tại Luangprabang
Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND tỉnh thăm và làm việc tại tỉnh U Đôm Xay (nước CHDCND Lào)
Đoàn đại biểu Quốc Hội và thường trực HĐND tỉnh Điện Biên thăm và làm việc tại tỉnh PhongSaLy nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào
ĐBQH Trần Thị Dung - Điện Biên: Tiến độ thi hành án chậm làm giảm hiệu quả răn đe, phòng ngừa tội phạm, gây sức ép cho công tác quản lý giam giữ
Kỳ hợp thứ 8 Quốc hội khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 20/10
LỘ TRÌNH TĂNG THUẾ TIÊU THỤ ĐẶC BIỆT ĐỐI VỚI THUỐC LÁ PHẢI NHANH HƠN