Tham gia ý kiến vào dự thảo Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội Vi Thị Hương, tỉnh Điện Biên cho rằng:
Thứ nhất, về kết cấu, bố cục của dự thảo luật thiết kế thể hiện quy định về hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp trong dự thảo luật chưa thật rõ, khó áp dụng trên thực tiễn, chỉ tương thích với Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân hiện hành. Trong khi tại dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương quy định về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp theo địa bàn đô thị, nông thôn một cách riêng biệt, cụ thể, khác hẳn cách thể hiện ở Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Cách thể hiện tại dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương rõ ràng hơn, khoa học hơn.
Dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương phân biệt rõ cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân tỉnh khác với cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân huyện, cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân xã, phường, thị trấn, cơ cấu tổ chức của đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt cũng có những khác biệt, cơ cấu tổ chức Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của chính quyền đô thị khác hẳn cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của chính quyền nông thôn. Với cơ cấu tổ chức của Hội đồng nhân dân các cấp khác nhau như vậy thì hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp cũng không thể giống nhau. Hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh, huyện không thể giống với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân cấp xã. Trong khi thiết kế đối với hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân trong dự thảo luật này quy định hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp còn chung chung. Chưa thể hiện rõ sự khác biệt giữa giám sát của các cấp chính quyền. Cấp xã cũng không thể xem xét báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Chức năng giám sát thi hành pháp luật của cấp xã cũng không thể giống với chức năng giám sát thi hành pháp luật của cấp tỉnh, cấp huyện. Trong khi dự thảo Luật ban hành quy phạm pháp luật đang thảo luận vấn đề có nên cho cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật hay không. Nếu như Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không cho phép cấp xã ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân xã cũng phải khác. Tôi đề nghị bố cục dự thảo luật phải tách bạch rõ ràng hơn cấu trúc phải tách bạch như Luật tổ chức chính quyền địa phương. Cần xác định lại các hình thức giám sát, nội dung giám sát tương ứng với các chủ thể giám sát. Hình thức giám sát phải được xây dựng trên cơ sở đặc điểm tổ chức hoạt động của các chủ thể tiến hành giám sát, đối tượng chịu sự giám sát, cơ cấu tổ chức như thế nào thì thực hiện giám sát phải tương ứng như vậy. Dự thảo luật cần thể hiện nội dung hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp ở chính quyền đô thị và nông thôn. Tương tự như thể hiện nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền ở Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Thứ hai, về xem xét kiến nghị giám sát Điều 22 của dự thảo luật quy định: Trường hợp cơ quan tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kiến nghị giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội thì Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội có quyền kiến nghị với Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm tổng hợp kiến nghị của các cơ quan tổ chức, cá nhân này trình Quốc hội xem xét quyết định. Quy định như dự thảo thì tính khả thi không cao. Cơ chế ràng buộc để các cơ quan chịu sự giám sát thực thi nghiêm túc chưa rõ. Sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp kiến nghị của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kiến nghị giám sát trình Quốc hội xem xét quyết định thì hệ quả pháp lý như thế nào cũng chưa được quy định rõ trong dự thảo luật.
Việc giao "Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng hợp kiến nghị của các cơ quan tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát, không thực hiện kiến nghị giám sát trình Quốc hội xem xét quyết định". Quy định này vừa không kịp thời, vừa chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Tôi đề nghị trong trường hợp cơ quan tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện kiến nghị giám sát thì Ủy ban thường vụ Quốc hội có trách nhiệm lựa chọn vấn đề cần thiết đôn đốc, quy trách nhiệm đối với đối tượng không thực hiện, chứ không nhất thiết mọi trường hợp Ủy ban thường vụ Quốc hội đều tổng hợp trình ra Quốc hội. Trong trường hợp cần thiết có thể chỉ đạo cho các cơ quan chủ trì giám sát thực hiện tái giám sát. Việc thực hiện các hoạt động giám sát bao gồm giám sát chuyên đề hoạt động chất vấn và xem xét báo cáo v.v... dẫn đến hệ quả pháp lý rất quan trọng liên quan đến trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan. Đó là việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa thể hiện được kết quả giám sát đối với việc lấy phiếu tín nhiệm, những cá nhân, cơ quan, tổ chức qua giám sát mà làm chưa tốt thì đánh giá tín nhiệm như thế nào thì cần được nêu rõ trong dự thảo.
Sáng mai, ngày 10/6 Quốc hội sẽ tiến hành thảo luận ở tổ về dự án Bộ luật dân sự (sửa đổi).
BBT