Trước đó, đoàn đã giám sát trực tiếp tại xã Hua Thanh huyện Điện Biên, thăm rừng cao su và các công trình phúc lợi tại xã. Xã Hua Thanh có 245,55 ha cao su, cây sinh trưởng đồng đều và ổn định đạt tiêu chuẩn của công ty cao su đề ra dự kiến sẽ khai thác mủ vào năm 2016. Năm 2013 xã được hỗ trợ từ chính sách cao su để xây dựng cơ sở hạ tầng, và đã đầu tư được 3,246m đường dân sinh cho 6 bản trong xã. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn những khó khăn tồn tại trong thực hiện chế độ chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su: diện tích nhỏ lẻ manh mún, không liền vùng gây khó khăn cho công tác triển khai; Toàn bộ diện tích cao su do người dân góp đất trồng trên địa bàn xã Hua Thanh từ năm 2008 đến nay vẫn chưa xác định được diện tích đất thực trồng từng năm của từng thôn bản... Hiện nay Công ty cao su Điện Biên đang triển khai xây dựng nhà máy chế biến mủ cao su tại bản Huổi Chan, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên; nhưng trong xã chưa ai được đào tạo kỹ thuật khai thác mủ cao su, số lao động hợp đồng với công ty cao su mới chỉ có 10 người, còn lại là lao động thời vụ.
Rừng cao su tại xã Hua Thanh, huyện Điện Biên
Tại buổi làm việc với UBND huyện Điện Biên, các thành viên đoàn giám sát đã tập trung trao đổi, phân tích, làm rõ các vấn đề liên quan đến việc phát triển cây cao su đại điền và chế độ chính sách cho người trồng cao su như: Trong 8 năm từ (2008 đến 2015) người dân đã góp 1.067,63 ha đất trồng cao su nhưng hiện nay chưa xác định được diện tích cụ thể từng loại đất, đặc biệt ở các xã Hua Thanh và Mường Pồn dẫn tới chế độ chính sách cho các hộ gia đình và cộng đồng thôn bản đến nay chưa thực hiện được; việc phối hợp giữa huyện, xã và công ty cao su chưa chặt chẽ...
Đoàn giám sát làm việc tại UBND huyện Điện Biên
Bên cạnh đó còn tồn tại bất cập trong thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển cao su như: cơ chế, chính sách trong việc hỗ trợ trồng xen canh trên diện tích đất trồng cao su, trình tự thủ tục thực hiện, tiến độ chi trả cho người dân còn chậm, chưa kịp thời. Việc chưa xác định được diện tích đất thực trồng từng năm của từng thôn bản nên gây khó khăn cho việc thực hiện chính sách, hỗ trợ theo quy định.
Kết luận tại buổi làm việc: Đồng chí Giàng Thị Hoa - TUV, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã ghi nhận những kết quả huyện Điện Biên đã đạt được trong quá trình phát triển cây cao su đại điền trong những năm qua. Đồng thời yêu cầu các cơ quan chuyên môn của huyện kiểm tra và báo cáo cụ thể những vấn đề tồn tại mà đoàn đã nêu ra, thống nhất và thực hiện nghiêm túc phương án chỉ trả tỷ lệ thụ hưởng mủ cao su khi thu hoạch, giám sát chất lượng mủ để đảm bảo quyền lợi cho người dân.
BBT