Để góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp, công tác chuẩn bị về mọi mặt trước kỳ họp đã được Thường trực HĐND, UBND tỉnh, các Ban của HĐND, Đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm, từ việc phân công và phối hợp chặt chẽ trong quá trình chuẩn bị các nội dung trình tại kỳ họp, đến việc thảo luận, thẩm tra các nội dung trước khi trình tại kỳ họp đảm bảo phát huy dân chủ và trí tuệ của tập thể, đảm bảo chất lượng các văn bản khi trình HĐND xem xét, quyết định. Hoạt động tại các kỳ họp tiếp tục được đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, cải tiến quy trình làm việc, bố trí nhiều thời gian hơn cho việc thảo luận của Đại biểu, qua đó đã phát huy được trách nhiệm, trí tuệ tập thể, tạo sự thống nhất cao khi thông qua Nghị quyết. Chất lượng các kỳ họp HĐND tỉnh được nâng lên rõ rệt, đáp ứng được kỳ vọng của cử tri, tạo được sự thu hút và quan tâm theo dõi của cử tri đối với Kỳ họp của HĐND tỉnh. Các quyết định của HĐND tỉnh tại kỳ họp đã góp phần tích cực vào kết quả đã đạt được về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng-an ninh của tỉnh trong năm 2014, trong đó có những quyết định mang ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội sâu sắc được nhân dân đồng tình cao như việc đổi tên đường 7-5 thành đường Võ Nguyên Giáp và đặt tên Quảng trường 7-5 tại thành phố Điện Biên Phủ.
Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đã có nhiều đổi mới cả về nội dung và phương thức tổ chức. Số cuộc giám sát của Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, Đại biểu HĐND tỉnh nhiều hơn so với năm trước. Trong quá trình giám sát của HĐND tỉnh đã chú trọng giám sát trực tiếp tại cơ sở, kết hợp giữa giám sát với kiểm tra thực tế, gặp gỡ, trao đổi với nhân dân-những người trực tiếp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để nắm thông tin bổ sung khi kết luận giám sát. Hầu hết các kết luận, kiến nghị qua giám sát của HĐND tỉnh đã được UBND tỉnh tiếp thu và chỉ đạo các ngành, các địa phương thực hiện; việc theo dõi, đôn đốc các ngành, các địa phương thực hiện kết luận, kiến nghị qua giám sát đã được các Ban HĐND tỉnh quan tâm. Kết quả, nhiều vấn đề kiến nghị qua giám sát đã được các ngành, các địa phương giải quyết triệt để, hiệu lực, hiệu quả giám sát của HĐND tỉnh đã được nâng lên rõ rệt.
Với phương châm “gần dân, trọng dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và có trách nhiệm với nhân dân” được thể hiện trong các hoạt động của Hội đồng nhân dân nói chung và trong công tác Dân nguyện nói riêng. Năm 2014, công tác tiếp dân, tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân đã có bước chuyển biến tích cực, mang lại kết quả rõ nét. Không đơn thuần là “người đưa thư” của công dân tới các cơ quan chức năng để giải quyết, năm vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh đã quan tâm tổ chức tiếp công dân để trực tiếp nghe phản ánh, kiến nghị; đồng thời đã tổ chức một số cuộc đối thoại giữa cơ quan chức năng với công dân để làm rõ những nội dung kiến nghị của công dân, qua đó thống nhất biện pháp giải quyết kịp thời, đảm bảo được quyền lợi hợp pháp, chính đáng của công dân. Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh luôn đi sâu đi sát cơ sở, gắn bó chặt chẽ với cử tri, tìm hiểu, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng của cử tri, thực sự là chỗ dựa tin cậy của cử tri trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.
Năm 2014 đã khép lại, mỗi chúng ta rất phấn khởi vững bước vào một mùa Xuân mới với nhiều niềm tin và hy vọng về sự phát triển mạnh mẽ của đất nước và của tỉnh Điện Biên. Năm 2015 là năm cuối của Kế hoạch 5 năm 2010 - 2015, năm diễn ra nhiều sự kiện chính trị quan trọng của cả nước và của tỉnh: kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 125 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, 70 năm Cách mạng tháng tám và Quốc khánh 2-9; năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII. Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2014, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh cần tiếp tục đổi mới sâu sắc, toàn diện các mặt hoạt động, phát huy tốt vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ chủ yếu sau:
Trong việc thực hiện chức năng quyết định: Nhiệm vụ chung của Hội đồng nhân dân là bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để kịp thời thể chế hóa và đưa các Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước sớm đi vào cuộc sống. Trước hết cần tập trung quyết định các nhiệm vụ và giải pháp hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, trong đó chú trọng các chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, tạo tiền đề vững chắc khi bước vào thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; quyết định cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững thuộc thẩm quyền; tăng cường các biện pháp nhằm đẩy nhanh việc thực hiện Chương trình xây dựng Nông thôn mới; đề ra các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu, dự án tại các địa phương, đặc biệt là các chương trình 30a, Đề án 79, dự án tái định cư thủy điện Sơn La, Chương trình phát triển rừng bền vững; quyết định các biện pháp nhằm chống thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Quyết định các chủ trương, biện pháp phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường các giải pháp xây dựng, củng cố quốc phòng - an ninh vững mạnh, giữ vững chủ quyền biên giới, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.
Trong việc thực hiện chức năng giám sát, Hội đồng nhân dân tỉnh cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ về nội dung và phương thức tổ chức giám sát, thực hiện đa dạng hóa và nâng cao chất lượng giám sát. Về nội dung giám sát, đi đôi với việc tăng cường giám sát thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Hội đồng nhân dân cần tập trung giám sát quá trình thực hiện đầu tư tại những dự án cụ thể; giám sát những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội được đông đảo cử tri quan tâm để kiến nghị giải quyết kịp thời; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị có trách nhiệm trong việc thực hiện các kiến nghị qua giám sát, thực hiện có hiệu quả hoạt động “tái giám sát” của HĐND tỉnh.
Hoạt động tiếp xúc cử tri và công tác tiếp công dân, tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân
Phát huy kết quả tích cực trong thời gian vừa qua, sang năm mới, Thường trực HĐND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Đoàn ĐBQH tỉnh tổ chức tốt công tác tiếp công dân theo quy định; thực hiện các biện pháp phù hợp với quy định của pháp luật nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân. Bên cạnh việc tiếp xúc cử tri thường kỳ trước và sau kỳ họp, Đại biểu HĐND cần tăng cường hoạt động tiếp xúc cử tri theo chuyên đề và TXCT tại nơi cư trú để tiếp nhận kiến nghị của cử tri và phản ánh với các cơ quan hữu quan giải quyết kịp thời.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh cần tiếp tục đổi mới toàn diện trên các lĩnh vực công tác, nhất là trong việc tổ chức và nâng cao chất lượng các kỳ họp Hội đồng nhân dân, trong công tác giám sát, tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, tiếp nhận đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Phát huy tốt vai trò của Thường trực HĐND trong việc duy trì, tổ chức các hoạt động của HĐND; nâng cao chất lượng công tác thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh. Phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo Quy chế phối hợp đã đề ra. Đặc biệt, cần tranh thủ, đồng thời phải đảm bảo được sự lãnh đạo thường xuyên của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh trong công tác tổ chức và hoạt động Hội đồng nhân dân tỉnh; chuẩn bị bước đầu công tác nhân sự của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016-2021./.
Giàng Thị Hoa
Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh