|
Đồng chí Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thăm mô hình chăn nuôi bò sinh sản của gia đình bà Lường Thị Ọi, bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn. |
Trước đó, đoàn giám sát HĐND tỉnh đã làm việc với UBND xã Mường Pồn để giám sát việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn xã; thăm mô hình chăn nuôi bò sinh sản của gia đình bà Lường Thị Ọi, bản Mường Pồn 2, xã Mường Pồn.
Làm việc với UBND huyện Điện Biên, đồng chí Giàng Thị Hoa, TUV Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã ghi nhận những kết quả nổi bật trong việc triển khai thực hiện nghị quyết của HĐND tỉnh về chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện Điện Biên: Sau 3 năm tập trung mọi nguồn lực thực hiện chương trình xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm từ 20% năm 2012 xuống còn trên 15% vào cuối năm 2014, trung bình mỗi năm giảm nghèo từ 2 - 3%; các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo giúp đời sống người dân từng bước được cải thiện, cơ sở hạ tầng nông thôn được nâng lên; 100% các xã có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới đạt trên 96%; 19/25 xã được phê duyệt đồ án quy hoạch nông thôn mới.
Tính đến hết tháng 10/2014, toàn huyện có 65/92 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 07 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2; 100% giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn trình độ trở lên. Từ năm 2012 đến nay, huyện đã đào tạo nghề cho trên 1.700 lao động nông thôn, trong đó gần 75% lao động đã có việc làm.
Tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Giàng Thị Hoa yêu cầu: Huyện Điện Biên cần tiếp tục triển khai các chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo cho đúng đối tượng và mục tiêu nhằm phát huy được hiệu quả, tính ưu việt của chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn huyện. Các ý kiến, kiến nghị của huyện Điện Biên sẽ được đoàn giám sát HĐND tỉnh tổng hợp và chuyển tới các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
*Cùng ngày, đồng chí Nguyễn Quốc Tuân, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế.
Tại buổi giám sát với Sở Giáo dục và Đào tạo, thành viên đoàn giám sát HĐND tỉnh đã được nghe lãnh đạo sở báo cáo tình hình thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững từ năm 2012 đến năm 2014. Theo đó, trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh hiện có gần 500 trường với gần 163.000 học sinh mầm non và phổ thông (không bao gồm học viên phổ cập, xóa mù, bổ túc và học sinh, sinh viên trường CĐSP). Hệ thống trường lớp học phát triển khá đồng bộ. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được tập trung xây dựng đảm bảo có đủ năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý. Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đã được ngành Giáo dục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.
|
Đồng chí Nguyễn Quốc Tuân, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh làm việc với Sở Y tế |
Tính đến tháng 6/2014, tỷ lệ dân số độ tuổi từ 15 - 60 tuổi biết chữ đạt 90,08%, tăng 2,38% so với năm 2012. Ngoài ra, ngành Giáo dục đã huy động được trên 78 tỷ đồng từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác xã hội hóa giáo dục để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục. Ngành cũng thực hiện đúng, đầy đủ, kịp thời các chế độ chính sách cho học sinh, sinh viên như: Chính sách hỗ trợ trẻ mầm non, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú, chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc ít người, chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn… Qua đó đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của tỉnh và các địa phương.
Giám sát tại Sở Y tế: Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 267/NQ của HĐND tỉnh về việc phê duyệt chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2011 – 2015, công tác y tế đã đạt được nhiều mục tiêu quan trọng. Ngành đã tận dụng nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương, nguồn vốn lồng ghép từ các chương trình dự án để đầu tư, nâng cấp bệnh viện tỉnh, huyện, phòng khám khu vực… đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 8 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, huyện; đang thực hiện xây mới 1 bệnh viện đa khoa thành phố; đầu tư xây mới 24 trạm y tế xã cơ bản đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.
Tính đến 30/9/2014, toàn ngành có gần 500 bác sỹ. Tỷ số bác sỹ/vạn dân tăng từ 6,69 năm 2012 lên 9,18 năm 2014. Tỷ lệ xã có bác sỹ tăng từ 25% năm 2012 lên 35,4% năm 2014. Ngành đã duy trì tốt công tác khám chữa bệnh, điều trị nội, ngoại trú, kê đơn cấp phát thuốc… Hàng năm, ngành đã tổ chức khám cho trên 900.000 lượt người bệnh. Ngoài ra, ngành Y tế còn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, công tác y tế dự phòng, không để các dịch bệnh lớn lây lan ra diện rộng…
Kết luận buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Quốc Tuân, Ủy viên Thường trực HĐND tỉnh đã biểu dương và đánh giá cao những thành tựu mà ngành Y tế, Giáo dục đã đạt được trong công tác giảm nghèo nhanh và bền vững từ năm 2012 đến năm 2014. Bên cạnh đó, để công tác này thực sự đạt hiệu quả, mang tính bền vững, đồng chí đề nghị Sở Giáo dục và Đào tạo cần quan tâm chú trọng hơn nữa đến việc sử dụng nguồn nhân lực một cách hợp lý, có hiệu quả; chú trọng công tác đào tạo tại các trường chuyên nghiệp; quan tâm hơn nữa đến các chính sách hỗ trợ học sinh dân tộc ít người, học sinh có hoàn cảnh khó khăn…
Đối với ngành Y tế, đồng chí đề nghị: Sở Y tế cần đề xuất với Bộ Y tế và địa phương đẩy mạnh việc xây dựng hệ thống y tế cấp xã; tăng cường tuyên truyền tới nhân dân về công tác vệ sinh môi trường; quan tâm hơn nữa đến công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
theo dienbientv